Việt Nam thu hút được 30 tỷ USD vốn FDI, bằng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn FDI thực hiện đạt gần 20 tỷ USD, giảm 2% so với năm 2019.
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu vốn đăng ký cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư thông tin, tính đến ngày 20/12, Việt Nam thu hút được 28,53 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn FDI thực hiện năm nay đạt 98% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 20 tỷ USD.
Nhờ việc kiểm soát sớm dịch Covid-19, việc giải ngân vốn FDI chỉ bị suy giảm 2% so với năm ngoái, nhiều doanh nghiệp FDI đang dần hồi phục, duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, có 1.140 dự án điều chỉnh với tổng số vốn đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ 2019. Đồng thời, có 2.523 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 14,6 tỷ USD, giảm hơn 12 % so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần năm vừa qua ghi nhận 6.141 lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ, đạt 7,47 tỷ USD.
Đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt gần 4,2 tỷ USD và hơn 1,6 tỷ USD.
TP HCM là địa phương dẫn đầu thu hút dòng vốn FDI với 950 dự án, tiếp sau đó là thành phố Hà Nội với 496 dự án và Bắc Ninh đứng thứ ba với 153 dự án.
TP HCM là địa phương dẫn đầu thu hút FDI trong năm nay với 950 dự án. Ảnh: Doanh Nhân.
Năm nay ghi nhận dòng vốn từ Singapore vươn lên dẫn đầu dòng vốn FDI vào Việt Nam với 9 tỷ USD, chiếm hơn 31% thị phần. Tiếp sau đó là Hàn Quốc với 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.
Những dự án đầu tư lớn trong năm nay có thể kể đến như dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore thực hiện. Tiếp đến là những dự án như tổ hợp hoá dầu miền Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do nhà đầu tư Thái Lan thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,38 tỷ USD và dự án khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây của nhà đầu tư Hàn Quốc.