Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 2,9% nhưng là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đây sẽ là bước đệm để đạt mức tăng trưởng bứt phá vào năm 2021, tất nhiên với điều kiện vượt qua tốt biến số khó lường từ tác động của dịch COVID-19 và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Tham dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại: "Dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm ngoái, tôi có chúc rằng các đồng chí phấn đấu làm sao để năm 2020 phải hơn 2019. Đến nay, dù còn những hạn chế, có chỉ tiêu chưa làm được, nhưng như trong báo cáo của Chính phủ, năm 2020 đã thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua".
Không thỏa mãn trên 'vòng nguyệt quế'
Chỉ đạo các giải pháp, nhiệm vụ lớn trong năm 2021 và thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn vì mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là rất cao trong bối cảnh chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, tình hình thế giới thời gian tới sẽ diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về nhiều mặt dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Cộng đồng DN cần nâng cấp hoạt động, phát triển bền vững và gắn với chuyển đổi số không phải là lựa chọn mà là con đường bắt buộc.
Những con số mà Tổng cục Thống kê vừa công bố đã cho thấy nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam như tăng trưởng GDP thuộc nhóm nước cao nhất thế giới, xuất siêu kỷ lục, lạm phát trong kiểm soát... Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều vấn đề mà nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt.
Đơn cử, năm 2020, Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục hơn 19 tỷ USD, tuy nhiên khu vực trong nước vẫn đang trong thế nhập siêu tới 15,5 tỷ USD. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, nguyên phụ liệu vẫn đang là "điểm nghẽn" cả các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay. Thời gian qua, khi chuỗi cung cấp nguyên phụ liệu bị đứt gẫy vì dịch COVID-19, nhiều DN Việt Nam đã tính tới việc sử dụng nguồn cung trong nước, nhưng để thúc đẩy điều này cần có thời gian, cũng như nguyên liệu trong nước phải đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Nhà nước định hướng làm sao đẩy mạnh phát triển sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ tốt hơn nhu cầu của DN trong nước.
Năm 2020 là một năm cực kỳ khó khăn của cộng đồng DN. Theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Cả năm có 101,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dùng cụm từ "vô cùng gian nan" để nói về những khó khăn mà cộng đồng DN Việt Nam gặp phải trong năm 2020. Số lượng DN gặp khó khăn, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động tăng lên nhanh chóng. Những tháng đầu năm, 60% DN phải tạm ngừng hoạt động, rời bỏ thị trường.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng 2020 cũng là năm mà sự kiên cường, chống chịu của DN Việt Nam thể hiện khá rõ. Điều này đã đóng góp vào kết quả tăng trưởng dương của cả nền kinh tế. Cộng đồng DN nhận thức rõ yêu cầu về khả năng chống chịu, đi theo con đường phát triển bền vững.
"Năm 2020 là bài học quý giá trong định hình tương lai, chiến lược kinh doanh của DN. Điều này không chỉ dành cho DN lớn mà còn phải trở thành tâm thế cho DN nhỏ, siêu nhỏ", ông Lộc nhấn mạnh.
Hàng loạt báo cáo của các tổ chức kinh tế và truyền thông thế giới gần đây đều có chung nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm tới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn phụ thuộc nhiều vào tốc độ khôi phục của nền kinh tế trong nước cũng như vào diễn biến của đại dịch trên thế giới.
Tìm cách vượt qua biến số
Theo kịch bản cơ sở của WB, GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng lên mức 6,8% trong năm 2021 và 6,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng trong trung hạn còn phụ thuộc vào một số rủi ro theo hướng suy giảm. Trong đó, đại dịch COVID-19 là yếu tố bất định. Nếu việc phê duyệt và phân phối vắc xin bị trễ đến năm 2021, tiến trình khôi phục kinh tế toàn cầu sẽ gặp rủi ro, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế ở Việt Nam.
Nếu được quản lý tốt, WB cho rằng, Việt Nam sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khủng hoảng COVID-19. Nhờ khống chế đại dịch xuất sắc, quốc gia có điều kiện mở rộng dấu ấn của mình trong nền kinh tế thế giới thông qua nắm bắt được thị phần lớn hơn trên toàn cầu về thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2020. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam không nhất thiết là thu hút thêm nhà đầu tư, mà là tối ưu hóa tác động cộng hưởng với các nhà cung cấp và phân phối trong nước để phục vụ cho thị trường trong nước ngày càng lớn mạnh, qua đó tạo điều kiện lan tỏa về công nghệ và năng lực.
"Nền kinh tế của ngày mai là nền kinh tế không cần tiếp xúc trực tiếp. Mặc dù có người cho rằng Việt Nam vẫn đi sau các quốc gia phát triển về công nghệ số, nhưng khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra xúc tác", WB lưu ý.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2021 không phải là thách thức quá lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng phụ thuộc vào 2 biến số là dịch COVID-19 được khống chế và làn sóng cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh.
"Năm 2021, tăng trưởng GDP khoảng 6% so với 2020 là chuyện không khó, bởi chúng ta còn dư địa cải cách hành chính, nếu Chính phủ tập trung xử lý điểm nghẽn chồng chéo pháp luật. Đồng thời, cộng đồng DN cần nâng cấp hoạt động, phát triển bền vững và gắn với chuyển đổi số không phải là lựa chọn mà là con đường bắt buộc. Chính phủ kiến tạo và cộng đồng DN cũng phải là cộng đồng kinh doanh có trách nhiệm", ông Lộc nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Đất nước ta sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội mới đan xen thách thức mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ cho 5 năm tiếp theo và xa hơn, với niềm tin và sự kiên định với lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, Chính phủ cần phải tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bằng cách tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp DN phục hồi sản xuất. Hỗ trợ cộng đồng DN trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Phạm Thế Anh
Thách thức của Việt Nam trong giai đoạn tới không chỉ trong năm 2021 mà còn trong giai đoạn 5 năm, 10 năm tới là phải làm sao để các DN tại Việt Nam tiếp cận được những công nghệ mới, tiếp cận được các thị trường mới mà Việt Nam đã cam kết qua các hiệp định thương mại, để từ đó đóng góp nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm.