MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 3,2% trong phiên chiều 18/3 xuống thấp nhất kể từ cuối năm 2016, với hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều đảo chiều và giảm điểm.
Giảm mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Australia với ASX 200 giảm 6,4%. Thị trường Hàn Quốc giảm mạnh thứ 2 với Kospi mất 4,8%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 1,8% và 1,5%. Hang Seng của Hong Kong mất gần 1.000 điểm, tương đương giảm 4,2%.
Ngoài ra, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,7%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 1,2%, Jakarta Composite của Indonesia giảm 2,8% và KLCI của Malaysia giảm 1,4%.
Tại Mỹ, các hợp đồng tương lai của Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq 100 đồng loạt quay đầu và ghi nhận mức giảm quá giới hạn, kích hoạt lệnh ngắt giao dịch một lần nữa.
Đầu phiên, giới đầu tư giữ tâm lý lạc quan hơn khi các nhà hoạch định chính sách và chính phủ trên khắp thế giới đồng loạt triển khai các gói kích thích để khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Gần đây nhất, chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố gói kích thích trị giá 1.000 tỷ USD, lớn hơn gói cứu trợ trị giá 787 tỷ USD mà ông Barack Obama tung ra sau khủng hoảng Lehman Brothers.
Tại châu Âu, Anh ngày 17/3 cho biết sẽ tung gói cứu trợ trị giá 420 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cùng ngày, Tây Ban Nha cũng công bố gói kích thích chưa từng thấy trị giá 220 tỷ USD. Liên minh châu Âu cũng đã thống nhất đóng cửa biên giới toàn khối trong 30 ngày để ngăn Covid-19 lây lan.
Tuy nhiên, ông Shin-ichiro Kadota, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Barclays nhận định: "Thị trường phản ứng tích cực với các biện pháp kích thích nhưng điều này sẽ không kéo dài. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều ngân hàng và nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề và họ cũng là người sẽ có nhiều vị thế để bán". Hiện tại, thế giới ghi nhận có gần 200.000 ca nhiễm bệnh với hơn 8.000 ca tử vong vì dịch Covid-19.