Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong giai đoạn năm 2017 đến đầu năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có diễn biến đặc biệt sôi động về thanh khoản, mặt bằng giá cổ phiếu với một trong những động lực quan trọng là tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, trong năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020 hoạt động này tương đối trầm lắng, cùng với đó là giao dịch trên TTCK cũng có phần ảm đạm.
Cơ quan quản lý “đau đầu”
Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 4/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 174 doanh nghiệp này chỉ có 36/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 92 doanh nghiệp này, có một số doanh nghiệp lớn như Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Lương thực miền Bắc... Như vậy, với khối lượng công việc khổng lồ và với thời gian chỉ còn 7 tháng để triển khai thực hiện, liệu rằng công tác cổ phần hoá có về đích đúng hẹn? Đây được xem như là một bài toán chưa có lời giải đối với tất cả các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Ngoài bất cập nêu trên, Bộ Tài chính còn chỉ ra, đến nay, số doanh nghiệp đã cổ phần hóa niêm yết, lên sàn chứng khoán cũng mới đạt tỷ lệ 20%. Theo đó, còn hơn 700 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết theo quy định. Mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tuyên truyền, giải thích, công bố danh sách doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra, áp dụng xử phạt với doanh nghiệp vi phạm nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.
Trong khi đó, về thoái vốn, lũy kế tổng số vốn thoái từ năm 2016 đến tháng 4/2020 là 25.172 tỷ đồng, thu về 171.865 tỷ đồng. Trong số này, thoái vốn nhà nước tại 98 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.788 tỷ đồng, thu về 9.206 tỷ đồng.
Trước những kết quả như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn không đạt được như kỳ vọng là do thể chế, chính sách còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa nhiều văn bản. Song, tình hình còn kém lạc quan hơn trong khi trong 4 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động đình trệ, nhiều kế hoạch phải hoãn lại.
Cần giải pháp quyết liệt
Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp còn lại phải cổ phần hoá dồn sang năm 2020 quá lớn. Hơn nữa, do dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, TTCK cũng đang rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, nên có thể nói trước rằng, không thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn.
Đồng quan điểm, lãnh đạo KBSV đánh giá, mức độ hòa nhập và độ mở kinh tế Việt Nam hiện nay đã có sự khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn dịch SARS. Tác động của dịch Covid-19 đến biến động TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.
Lâu nay, công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước luôn được xem là lực đẩy thu hút được dòng vốn mới cho TTCK. Hoạt động này ì ạch thì thanh khoản thị trường cũng không thể sôi động.
Thế nhưng, nguyên nhân chính khiến các đợt chào bán, đấu giá cổ phần không thành công, bị hoãn lùi lại được các doanh nghiệp đưa ra là do TTCK không thuận lợi. Đặc biệt, thị trường đã suy giảm khá sâu tại thời điểm quý I/2020 và chỉ mới phục hồi trở lại kể từ tháng 4 tới nay.
Sự phục hồi này còn khá mong manh khi dòng tiền hiện nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước và một phần từ động thái mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp.
Dòng vốn nước ngoài sau một thời gian dài tập trung bán ròng đã quay trở lại, nhưng tỷ lệ mua ròng chưa cao, chưa đều và khó có thể kỳ vọng là bền vững khi những tác động từ thị trường quốc tế còn quá lớn.
Để có thể giải quyết được bài toán hóc búa này, bên cạnh sự cố gắng giải quyết vấn đề từ nội tại doanh nghiệp, thì sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chức năng nhằm đưa ra những giải pháp mang tính đột phá là việc làm rất cần thiết hiện nay.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong giai đoạn trước mắt, nhiệm vụ cấp thiết của các cơ quan ban ngành là duy trì hoạt động của nền kinh tế, giảm thiểu đến mức tối đa tác động của dịch bệnh Covid-19, đồng thời vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.