Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia ngân hàng và kinh tế về việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước. Hiện, các ngân hàng này đang chờ quyết định chính thức của Quốc hội và Bộ Tài chính về việc tăng vốn.
“Mỏi mòn” chờ tăng vốn
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 3/2020, vốn điều lệ của 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,5% toàn hệ thống, tổng tài sản đạt 5.213,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,76% toàn hệ thống, tăng 37,01% so với cuối năm 2016.
Đáng nói, những năm gần đây các ngân hàng này luôn gánh trọng trách trụ cột hỗ trợ nền kinh tế, thực hiện trọng trách cung cấp vốn cho các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên. Hiện, dư nợ tín dụng với nền kinh tế của 4 ngân hàng trên chiếm khoảng hơn 40% thị phần của cả hệ thống.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, các ngân hàng này gặp khó khăn trong việc tăng vốn, đặc biệt là Agribank và Vietinbank đang có hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu đáp ứng theo chuẩn mực Basel II thấp hơn mức quy định là 8%.
Theo số liệu của NHNN, tại thời điểm 31/3/2020, CAR của Agribank chỉ còn 6,9%, có nguy cơ rơi về 6,1% vào năm 2021 nếu không được tiếp vốn. Năm 2020, Agribank thiếu hụt vốn tự có 12.500 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công tối đa 9.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2, thì Ngân hàng còn thiếu 3.500 tỷ đồng mới đạt CAR mức tối thiểu.
Với VietinBank, hệ số CAR vào cuối năm 2019 tính theo Thông tư 36 chỉ ở mức 9,25%, chưa kể nếu tính theo Thông tư 41 thì còn bị giảm đi rất nhiều.
CAR của Vietcombank và BIDV có phần "dễ thở" hơn một chút cũng, nhưng so với nhiệm vụ mà 2 ngân hàng này đang phải "gánh vác" như: giảm lãi vay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, tăng cường cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên... thì CAR không dư giả và phải căn cơ cho định hướng phát triển lâu dài.
Lãnh đạo NHNN cũng nhiều lần cảnh báo, nếu không được tăng vốn, nhiều ngân hàng thương mại có vốn nhà nước sẽ phải ngừng cấp tín dụng. Trong bối cảnh doanh nghiệp, nền kinh tế cần vốn để phục hồi sau tác động của Covid-19, sự tiếp sức của ngân hàng lại càng quan trọng.
Cấp thiết củng cố tấm nệm an toàn của ngân hàng
"Tấm nệm" an toàn suy giảm, Agribank và Vietinbank đang đứng trước thách thức rất lớn: phải dừng tăng trưởng tín dụng, thậm chí là giảm dư nợ cho vay, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế.
Theo kế hoạch đề ra, năm nay, Agribank sẽ tăng trưởng tín dụng 11%. Thế nhưng, nếu không được cấp đủ 3.500 tỷ đồng, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay xuống còn 4,5-5%, nghĩa là phải giảm dư nợ cho vay nền kinh tế 60.000 tỷ đồng. Còn trong kịch bản xấu nhất, tín dụng cả năm của VietinBank chỉ tăng 4%.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, muốn ngân hàng cấp đủ vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế không còn cách nào khác phải tăng vốn củng cố tấm nệm an toàn của ngân hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia đánh giá, Agribank là ngân hàng gắn với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Đây là khu vực rộng lớn của Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ người giàu đến người nghèo và đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên nhu cầu về vốn rất là lớn. Vì vậy, cần phải tăng vốn để ngân hàng tăng khả năng huy động và cho vay.
"Việc tăng vốn đối với Agribank là vô cùng cấp thiết bởi với tiền lực tài chính như hiện nay nếu không tăng được vốn thì dù Agribank muốn hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng cũng không thể làm được. Hơn nữa, tăng vốn các ngân hàng mới có "gối đệm" chống đỡ rủi ro", TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính,tiền tệ Quốc gia bổ sung, khi tăng vốn cho Agribank hệ số lan tỏa sẽ rất lớn.
"Chẳng hạn chúng ta đầu tư 3.500 tỷ vào một dự án thì có lẽ hệ số lan tỏa của dự án này còn lâu hơn và nhỏ hơn so với việc đưa vốn vào Agribank để qua có sự lan tỏa rộng lớn hơn từ việc cho vay, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho người dân ở nông thôn…Nhất là hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo", ông Lực phân tích.
Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng tăng vốn ngân hàng chính là sự lựa chọn đúng đắn thời điểm này, bởi ngân hàng đứng vững sẽ hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế. Với Agribank, việc ưu tiên tăng vốn càng quan trọng, vì ngân hàng này đang phục vụ chủ yếu khu vực tam nông - khu vực trọng yếu của nền kinh tế và bị tác động mạnh bởi Covid-19.