Doanh nghiệp lao đao sau đại dịch
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới lần đầu tiên giảm sau 5 năm (2015 – 2020), còn hơn 37.500 doanh nghiệp, tương ứng giảm 13%. Số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 20%, số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp cũng giảm 22% do tâm lý e ngại trong đầu tư trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện khảo sát vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, gần 85% doanh nghiệp đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh; 45% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động.
Covid-19 cũng làm một số ngành kinh doanh trở nên trầm trọng hơn. Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề cập giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp niêm yết đang tăng quá nhanh, đến cuối năm 2019 vọt lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, hầu hết doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh sụt giảm do không bán được hàng hoặc không có hàng để bán.
Một ngành nghề khác là hàng không, khi thiệt hại được dự báo lên tới hơn 30.000 tỷ đồng, số liệu được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra hồi giữa tháng 3 khi các chuyến bay bị cắt giảm tần suất, thậm chí đóng cửa để phòng dịch. Vietnam Airlines đã báo lỗ 2.600 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, khi lợi nhuận cả năm 2019 là 2.537 tỷ đồng. Tổng giám đốc Dương Trí Thành cho rằng nếu dịch kéo dài đến quý IV, Vietnam Airlines có thể lỗ hơn 19.600 tỷ đồng cả năm nay. Thậm chí, ông Thành ước tính Vietnam Airlines cần tối thiểu 5 năm nữa mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.
Lý do Covid-19 ảnh hưởng trên diện rộng, ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, được nhiều chuyên gia đánh giá xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, nhu cầu mua sắm giảm mạnh do lo sợ dịch bệnh kéo dài, người dân chỉ ưu tiên những nhu cầu thiết yếu nên những sản phẩm, hàng hóa khác bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Chủ trương giãn cách xã hội, một mặt giúp việc phòng dịch hiệu quả hơn, mặt khác lại khiến các cơ sở kinh doanh, khu mua sắm, vui chơi giải trí, khách sạn... phải tạm ngừng, đóng cửa. Các sự kiện quảng bá tiếp thị và bán hàng, giới thiệu dự án phải hủy bỏ, tạm ngừng triển khai. Ngoài ra, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất tăng mạnh do dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các nhà cung cấp tăng giá linh kiện, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả nhiều khoản chi phí cố định như chi phí đầu tư, lãi vay, tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội...
Trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã cụ thể hóa các giải pháp và cơ chế, chính sách tại Chỉ thị 11, Chỉ thị 15, Nghị định số 41 và 42 cùng trên 20 văn bản hướng dẫn khác của các bộ ngành, bao gồm gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng; chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp...
Tuy nhiên, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM dẫn kết quả khảo sát 61% doanh nghiệp cho biết gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ, các lý do khác như quy trình, thủ tục phức tạp; cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình... Các rào cản trong chứng minh thiệt hại do Covid-19 khiến quá trình triển khai các gói hỗ trợ kéo dài, ngay cả khi đáp ứng điều kiện của các ngân hàng thì số vốn giải ngân cũng không đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư sản xuất của doanh nghiệp.
Đề xuất tăng thời gian nộp thuế lên 12 tháng
Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực nhưng nhiều kiến nghị tiếp tục được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường và hạn chế khủng hoảng, trong đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cùng đề xuất tăng thời gian giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên 12 tháng; miễn giảm 50% tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN; giảm tiền thuê đất cả 2 năm 2020 và 2021.
VCCI nêu kết quả khảo sát, 80% doanh nghiệp cho biết sẽ ngừng sản xuất kinh doanh nếu dịch bệnh kéo dài hơn một năm, phải giảm lao động, trong đó mức cắt giảm lao động phổ biến từ 10% đến 50%. Vì thế, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TTDN, thuế TNCN và tiền thuê đất tối đa 5 tháng là chưa đủ. Bởi, 5 tháng chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vì ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu và các loại thuế.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phân tích quy trình thủ tục để thực hiện một dự án bất động sản mất khoảng 5 năm, từ khi triển khai xây dựng đến lúc đủ điều kiện bán hàng cũng mất gần một năm. Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc hủy bỏ hoạt động khởi công, mở bán, quảng bá, tiếp thị dự án... Do đó, 5 tháng gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là rất ngắn so với thời gian trên 5 năm để doanh nghiệp có thể phục hồi, kinh doanh trở lại.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ đồng tình tăng thời gian giãn các loại thuế lên 12 tháng vì xét tình hình thực tế, quy định giãn cách xã hội mới được gỡ bỏ cuối tháng 4, các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng cần thời gian để hồi phục dài hơn, có khi mất tới 2 – 3 năm. Hơn nữa, việc giãn thời gian nộp thuế không làm ngân sách mất đi, Nhà nước vẫn có nguồn thu về sau.
Trò chuyện với báo chí, ông Phạm Ngọc Khoan, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề nông thôn Việt Nam còn cho rằng, không chỉ giãn thời gian nộp thuế, biện pháp thiết thực nhất của Chính phủ có thể làm là miễn tiền thuê đất cả năm 2020 để "doanh nghiệp không phải lo chỗ ngồi, tập trung tìm phương án tồn tại phát triển".
Ở một góc độ khác, Chính phủ cần có những chính sách để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân trở lại, thông qua việc miễn, giảm các loại thuế đánh vào người tiêu dùng như VAT, thuế TTĐB. VCCI đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách giảm phí, lệ phí như giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí giao thông đường bộ, giá dịch vụ hàng, các loại phí trong đầu tư, xây dựng cơ bản với mức giảm từ 30- 50% theo tinh thần Chỉ thị 11 của Thủ tướng.ư