Tại phiên họp thường niên 2020, sáng 19/6, Chủ tịch Viglacera (HoSE:
VGC) Nguyễn Văn Tuấn cho biết định hướng kinh doanh sẽ tập trung vào bất động sản khu công nghiệp (KCN), nhà ở xã hội và vật liệu xây dựng. Gelex (HoSE:
GEX) đầu tư vào Viglacera cũng chung tầm nhìn đó và sẽ giúp công ty phát triển trên nền tảng thương hiệu, tài chính và kinh nghiệm vốn có.
Năm nay, Viglacera tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật dịch vụ 1.921 tỷ đồng, chiếm 74% tổng vốn đầu tư công ty mẹ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera, đề cập vấn đề khu công nghiệp tương đối "nóng" nhưng hơi quá so với thực tế.
CEO Viglacear nhận định Việt Nam là điểm đến của dòng vốn nước ngoài sau dịch Covid-19. Tuy nhiên tại thời điểm này mới chỉ là tiềm năng, tất cả chỉ dừng lại ở thông tin. Đơn cử, nhiều đối tác đã ký hợp đồng, chuyển tiền nhưng chưa thể sang bàn giao đất do chưa Việt Nam vẫn đóng cửa đường bay quốc tế do dịch.
Ông Anh Tuấn cho biết thêm việc cạnh tranh trên thị trường khu công nghiệp là điều tất yếu. Viglacera đã trải qua 20 năm qua với kinh nghiệm nên được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Công ty được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Đơn cử, Khu công nghiệp Yên phong thu hút hơn 10 tỷ USD.
Trước đó, tại phiên họp cổ đông thường niên 2020 của Gelex ngày 18/6, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Gelex kiêm Chủ tịch HĐQT Viglacera cho biết 2 công ty sẽ phổi hợp để trở thành nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Gelex sẽ trực tiếp là chủ đầu tư khu công nghiệp thông qua phối hợp sử dụng thương hiệu của Viglacera - do là doanh nghiệp Nhà nước nên quá trình đầu tư cần nhiều thời gian. Hai bên đang triển khai các thủ tục pháp lý để mở rộng dự án 100 ha tại Tây Ninh lên 600 ha, đã mua khu công nghiệp Long Sơn 800 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại đại hội, bà Đỗ Thị Phương Lan, thành viên HĐQT cũng cho biết Viglacera phát triển khu công nghiệp mạnh ở phía Bắc nhưng chưa xuất hiện nhiều ở miền Nam. Gelex sẽ hợp tác để giúp Viglacera Nam tiến. Hai bên sẽ tách bạch trong quá trình thực hiện. Phát triển khu công nghiệp gồm 4 bước, phát triển quỹ đất, phát triển hạ tầng, phát triển sản phẩm và bán sản phẩm. Viglacera hiện nay gặp khó trong quá trình phát triển quỹ đất do vẫn là công ty có vốn Nhà nước. Do đó, Gelex sẽ thực hiện việc này. 3 bước phía sau sẽ được do Viglacera đảm nhiệm. Chủ đầu tư sẽ được hưởng lợi từ đất, trong khi đơn vị kinh doanh khu công nghiệp sẽ nhận lợi nhuận từ hoạt động này.
Viglacera hiện sở hữu 12 khu công nghiệp ở miền Bắc với tổng quỹ đất hơn 5.000 ha.
Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm các khu công nghiệp cũ của Viglacera sẽ vẫn do công ty quản lý 4 bước, chỉ những khu công nghiệp phát triển mới hợp tác với Gelex mới thực hiện theo hình thức trên.
Đề cập tại báo cáo, ban điều hành cho biết sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tại các dự án đang triển khai như Hải Yên và Đông Mai – Quảng Ninh, Phú Hà – Phú Thọ, Yên Phong II-C và Yên Phong mở rộng – Bắc Ninh, Đồng Văn 4 – Hà Nam...
Đồng thời, công ty cũng tham gia đấu thầu làm chủ đầu tư, triển khai các bước chuẩn bị đầu tư cho các KCN mới như Thuận Thành, Bắc Ninh (250 ha), Huế (khoảng 100 ha), Đồng Văn 4 mở rộng, Hà Nam (300 ha)..., xúc tiến các bước khảo sát, mở rộng quỹ đất mới, phát triển các khu công nghiệp mới tại các tỉnh thành có tiềm năng và hợp tác đầu tư dự án bất động sản tại Long Sơn – Vũng Tàu.
Việc hợp tác liên doanh, liên kết sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đầu tư kết hợp tham gia đấu thấu làm chủ đầu tư cho các dự án nhà ở tại Đông Anh, Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu...
Cổ đông cũng xem xét ủy quyền cho HĐQT thông qua các phương án tăng/thoái vốn điều lệ, cơ cấu lại sở hữu vốn của Tổng công ty tại các công ty con, công ty liên kết. Trong đó, công ty chủ trương tăng vốn điều lệ của CTCP Viglacera Tiên Sơn từ 195 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ sở hữu vốn của Tổng công ty sau phát hành tối thiểu là 51% để đầu tư mở rộng sản xuất.
CEO Nguyễn Anh Tuấn cho biết hiện nay nhiều nhà máy đóng cửa. Các cơ hội mua lại xuất hiện. Công ty đang nghiên cứu Viglacera Tiên Sơn và có thể mua lại một số nhà máy nếu giá cả hợp lý. Việc tăng vốn cho công ty nhằm chuẩn bị nguồn lực nắm bắt cơ hội lớn.
Ban lãnh đạo cũng dự kiến lập phương án tăng vốn của CTCP Phát triển KCN Yên Mỹ để thực hiện đầu tư các KCN tại phía Nam, tiếp tục thoái toàn bộ vốn góp của Tổng công ty tại các đơn vị sản xuất gạch ngói đất sét nung như Bá Hiến, Viglacera Từ Sơn, Viglacera Hạ Long 1, Viglacera Hợp Thịnh, Viglacera Từ Liêm và chuyển nhượng nhà máy sản xuất gạch đất sét nung Hải Dương.
Chia sẻ thêm về việc đầu tư nhà máy tại Cuba, ông Tuấn cho biết dự án vật liệu xây dựng Liên doanh SanVig đạt doanh thu 215.000 USD và có lãi trong 5 tháng đầu năm. Công ty đang tiến tới sản xuất ổn định và tiêu thụ hết sản phẩm. Vị CEO cho rằng, Cuba hiện tại giống như Việt Nam 30 năm trước, việc đầu tư tại thời điểm này khó khăn nhưng là cần thiết để đi trước đón đầu, "sớm muốn Cuba sẽ kết nối lại với Mỹ và phát triển hơn, khi đó mới vào thì đã muộn".
Với dự án khu công nghiệp Vimariel, Cuba giao cho Viglacera quỹ đất 160ha. Công ty sẽ triển khai thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp theo từng phân đoạn cụ thể, đảm bảo đủ quỹ đất kinh doanh, cho thuê, đáp ứng dòng tiền để đầu tư toàn bộ dự án, triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê tại khu công nghiệp.
Ông Tuấn cho biết Viglacera được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 20 năm tại dự án này.
Bên cạnh đó, HĐQT dự kiến thành lập Công ty TNHH tại Mỹ nhằm tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng tại thị trường này cũng như khu vực Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh.
Trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh nhà bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu du lịch nghỉ dưỡng, Viglacera dự kiến đầu tư 472 tỷ đồng, chiếm 18% cơ cấu.
Với dự án khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải giai đoạn 1 (35 ha), khu khách sạn dự kiến hoàn thành trong năm 2021 và thực hiện đầu tư giai đoạn 2 khoảng 40 ha, triển khai các thủ tục chuyển đổi khu mỏ đã khai thác hết nguyên liệu sang đầu tư dự án Vân Hải.
Công ty tiếp tục triển khai các dự án nhà ở thành phần chuyển tiếp từ năm 2019 như nhà ở thương mại tại Yên Phong, nhà ở thấp tầng giai đoạn 2 tại Khu đô thị Xuân Phương và triển khai các bước chuẩn bị đầu tư Dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện có sang đầu tư khu nhà ở tại khu đất diện tích 12,5 ha của nhà máy Kính Đáp Cầu.
Công ty cũng nghiên cứu đầu tư các dự án tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng như sân golf, khu resort, biệt thự để bán với quy mô dự kiến 300 ha.
Viglacera cũng dự kiến sẽ đầu tư 122 tỷ đồng vào lĩnh vực vật liệu gấp 3 lần năm trước, chiếm gần 5% tổng tổng đầu tư năm 2020.
Trong quý IV, công ty dự kiến hoàn thành 2 dự án là nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ giai đoạn I (công suất 600 tấn/ngày) và dự án xí nghiệp khai thác chế biến nguyên liệu của CTCP Thanh Trì.
Viglacera cũng triển khai kế hoạch đầu tư tại các đơn vị thành viên trong lĩnh vực sứ vệ sinh – sen vòi, gạch ốp lát về giải pháp công nghệ, kỹ thuật, dây chuyền thiết bị.
Với dự án đầu tư kính cán siêu trắng công suất 650 tấn/ngày tại khu công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh, công ty tiếp tục khảo sát, đánh giá thị trường, các yếu tố đầu vào, công nghệ - thiết bị... nhằm đảm bảo tính khả thi.
Viglacera cũng nghiên cứu đầu tư và đầu tư các dự án mới như sản xuất pin năng lượng mặt trời, đầu tư giai đoạn 2 nhà máy kính siêu trắng Phú Mỹ, công suất 900 tấn/ngày, triển khai dây chuyền gạch ốp công suất 3 triệu m2/năm tại Viglacera Thăng Long, mua lại nhà máy sản xuất gạch ốp lát và khảo sát tìm kiếm địa điểm mới để đầu tư phát triển sản phẩm đất sét nung theo công nghệ mới của Viglacera Hạ Long.
Về cổ tức, công ty dự kiến chia tỷ lệ 11% cho năm 2019 và tỷ lệ 10,5% cho năm 2020.
Đại hội kết thúc với mọi tờ trình được thông qua.