Phát biểu tại phiên họp, ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng - cổ đống sở hữu 38% vốn, cho biết cơ quan này đang lên phương án thoái toàn bộ vốn tại Viglacera (HoSE:
VGC) trong năm 2020. Vấn đề lớn nhất của khi bán cổ phần là xác định mức giá hợp lý. Thủ tướng đã làm việc với Bộ các phương án thoái vốn.
Ông Đậu Minh Thanh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết thêm Quyết định 1232 đang được sửa đổi và đã đến bước thường trực cho ý kiến. Vị này cho rằng trong thời gian rất ngắn Thủ tướng sẽ phê duyệt.
Trong kế hoạch, việc thoái hết vốn sẽ có thể hoàn thành trong năm 2020. Vừa qua, giai đoạn cổ phần hóa của Viglacera đã hoàn tất, Bộ Xây dựng đã phê duyệt quyết toán, chuyển từ công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
Sau khi có Quyết định 1232 sửa đổi, công ty sẽ tiến hành định giá lại giá trị, xác định giá bán và làm việc với Ủy ban Chứng khoán. Các thủ tục dự kiến đến tháng 12 sẽ hoàn thành.
Vị này cũng đề cập việc thoái vốn có thể thực hiện trong năm nay nếu như không chuyển giao vốn về SCIC mà trực tiếp do Bộ Xây dựng triển khai, "điều này sẽ rút ngắn một bước, rút ngắn thời gian".
Bộ Xây dựng đang nắm 38% vốn của Viglacera. Gelex (HoSE: GEX) sở hữu gần 25% vốn Viglacera sau khi đấu giá thành công một phần lô cổ phần do Bộ Xây dựng thoái vốn đầu năm 2019.
Tại phiên họp cổ đông thường niên năm 2020 của Gelex ngày 18/6, Chủ tịch HĐQT Gelex Nguyễn Văn Tuấn cho biết công ty sẽ phối hợp cùng Viglacera trở thành nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Gelex cũng xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở nâng sở hữu chi phối, hợp nhất kết quả kinh doanh với Viglacera.
Ông Tuấn cho biết Viglacera hiện sở hữu 12 khu công nghiệp ở miền Bắc với tổng quỹ đất hơn 5.000 ha. Ngoài ra, Gelex thực hiện M&A, chú trọng phát triển khu công nghiệp phía Nam tại Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai...để mở rộng chuỗi khu công nghiệp trên cơ sở sử dụng hệ thống khách hàng của Viglacera. Hiện công ty đã là đơn vị phát triển khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam nhưng mong muốn bỏ xa các đối thủ.
Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp bao gồm hạ tầng, bán điện, bán nước, đầu tư các khu nhà ở xã hội, xây dựng kho 200.000 m2 cho thuê trong khu công nghiệp còn dư của Viglacera.
Năm 2020, Viglacera đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt 750 tỷ đồng, giảm 18% và 23% so với thực hiện năm trước. Riêng doanh thu công ty mẹ lên kế hoạch đạt 3.600 tỷ đồng và lãi đạt 600 tỷ đồng, giảm 15%.
5 tháng đầu năm, công ty đạt hơn 322 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương 43% kế hoạch năm. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera cho biết tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn phức tạp, đơn cử như Bắc Kinh xuất hiện nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng. Do đó, kế hoạch cả năm nay được tính thận trọng và sẽ không điều chỉnh. Công ty sẽ cố gắng vượt kế hoạch nếu như không có vấn đề đột biến. Về mảng khu công nghiệp, công ty đã ký hợp đồng thêm 100 ha trên kế hoạch 160 ha, tương đương 70% chỉ tiêu.