Theo tài liệu họp cổ đông thường niên 2020, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE:
BHN) lên kế hoạch doanh thu 4.239 tỷ đồng, giảm đến 44% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế 248 tỷ đồng, giảm 51%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất từ khi công khai tài chính 2008 đến nay. Kế hoạch cổ tức dự kiến 6%.
Về chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu là 225 triệu lít, giảm 44% so với năm trước. Trong đó sản lượng bia các loại 223,1 triệu lít, giảm 44% và nước uống đóng chai UniAqua là 1,9 triệu lít, giảm 26%.
Đầu năm 2020, thị trường bia rượu chịu tác động lớn bởi Nghị định 100 và đợt bùng phát Covid-19 và Habeco cũng không ngoại lệ. Báo cáo của Tổng giám đốc cho thấy lợi nhuận 4 tháng đầu năm của Habeco chỉ đạt gần 16 tỷ đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ năm 2019. Các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách đều suy giảm, chỉ đạt từ 44 - 50% so với cùng kỳ và Nhiều đơn vị thành viên phải ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, tiền lương, dòng tiền bị ảnh hưởng lớn, tình hình tài chính mất cân đối…
Tháng 5/2020, Habeco đã đưa ra thị trường sản phẩm bia hơi Hà Nội 500ml (đóng lon) và bia hơi Hà Nội 1 lít (đóng chai PET). Trong các tháng còn lại, tổng công ty tiếp tục nghiên cứu và đưa và thị trường 3 sản phẩm mới, sản xuất một số bia Craft mới và nghiên cứu một số loại nước giải khát mới.
Chờ phương án phân phối lợi nhuận 2019
Năm ngoái, Habeco ghi nhận sản lượng các sản phẩm chủ yếu đạt 401,1 triệu lít và mang về doanh thu 7.562 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 502 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt 62% kế hoạch năm.
Với kết quả đó, Tổng giám đốc đề xuất mức chia cổ tức năm 2019 dự kiến là 12,6%. Tuy nhiên báo cáo của HĐQT cho biết cổ đông chi phối là Bộ Công thương vẫn đang làm việc với Bộ Tài chính về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, do đó HĐQT sẽ lấy ý kiến cổ đông về nội dung này sau khi Bộ Công thương có ý kiến.
Về tình hình thoái vốn các đơn vị thành viên, Habeco cho biết công ty Cồn Rượu Hà Nội (Halico) đang kinh doanh thua lỗ và tình hình tài chính tiềm ẩn rủi ro cao nên đang tiến hành thoái toàn bộ vốn đầu tư và mong muốn chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư khác.
Habeco còn có góp vốn tại 5 công ty hoạt động ngoài ngành; trong đó có 3 công ty lĩnh vực bất động sản, 1 công ty giáo dục đào tạo và 1 công ty kinh doanh tổng hợp. Công tác thoái vốn đang gặp khó khăn do đây là những đơn vị chưa phải công ty đại chúng, kết quả kinh doanh kém hiệu quả và có lỗ lũy kế…