9h20: Đại diện Đoàn Chủ toạ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - ông Hà Văn Phương công bố tỷ lệ cổ đông đồng ý thông qua chương trình làm việc của Đại hội và Ban kiểm phiếu là 99,47%, tỷ lệ không có ý kiến là 0,52%, tỷ lệ không đồng ý là 0%. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Đại diện HĐQT Sacombank báo cáo cổ đông về tình hình hoạt động 2019 của HĐQT. Theo đó, về tình hình hoạt động kinh doanh năm 2019 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế ở mức 3.217 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,9%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất đạt 11,53%, cao hơn quy định tối tiểu là 9%. Tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng tiền gửi gần 71%, thấp hơn so với quy định là 80%...
Về cổ tức năm 2019, Sacombank đã tích cực kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại phù hợp với kết quả tài chính hằng năm, trên cơ sở đảm bảo việc trích lập dự phòng theo Đề án tái cơ cấu; đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động và nâng cao vị thế của Sacombank trên thị trường; đảm bảo hài hoà lợi ích của cổ đông.
Tuy nhiên, đến nay Sacombank vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. HĐQT Sacombank sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện nhiệm vụ này.
Năm 2020, Sacombank đã thực hiện hoạt động theo tiêu chuẩn Basel II song song với việc tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng và tiên phong trong nền tảng công nghệ hiện đại và bảo mật cho khách hàng.
Năm nay, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với dịch Covid-19, ngành ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng Sacombank vẫn đề ra các chỉ tiêu kinh doanh đầy thách thức.
Theo đó, năm 2020, ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 10%, đạt 498.400 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng dự kiến 329.400 tỷ đồng, tăng 11%; Tổng vốn huy động dự kiến 457.200 tỷ đồng, tăng trên 10%, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10%, đạt 452.400 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế dự kiến 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2019; Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Hiệu quả kinh doanh nhân viên tăng 18 lần so với trước khi tái cơ cấu
9h35: Sacombank cũng báo cáo cổ đông kết quả đạt được theo phương án tái cơ cấu đến năm 2025.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, sau 03 năm thực hiện tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2016, Sacombank đã trích lập/phân bổ chi phí xử lý tài sản tồn đọng trong năm 2019 gần 4.400 tỷ đồng, đưa luỹ kế trích lập lên 6.200 tỷ đồng (vượt 159% tiến độ).
Các chỉ số sinh lời cải thiện rõ rệt so với thời điểm trước khi triển khai Đề án: Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng gấp 27 lần năm 2016; Lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA) tăng gấp 23 lần và NIM tăng gấp 1,5 lần; Tài sản tồn đọng giảm 35,6% so với cuối năm 2016, hiện chiếm tỷ trọng 13,8% tổng tài sản.
Tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng là hơn 18.400 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án là 12.409 tỷ đồng. Luỹ kế 3 năm qua, Sacombank đã thu hồi và xử lý được 38.346 tỷ đồng các khoản nợ thuộc Đề án.
Dự kiến đến cuối năm 2020, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng là 6.722 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng dùng vốn chủ sở hữu để đầu từ phát triển mạng lưới và máy móc thiết bị 704 tỷ đồng; đầu tư, bổ sung lĩnh vực CNTT 735 tỷ đồng; đầu tư hoạt động thẻ 57 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sacombank cũng sẽ bổ sung vốn cho ngân hàng con tại Lào 214 tỷ đồng. Tiếp tục kéo giảm nợ xấu tại Sacombank Cambodia về 6% năm tới sau khi ngân hàng con này đã thu hồi được 7 triệu USD nợ xấu.
Về chỉ tiêu kinh doanh mỗi nhân viên của Sacombank đạt được trong năm 2019 là 169 triệu đồng/nhân viên, tăng 18 lần so với trước khi triển khai tái cơ cấu.
Đã hoàn thành 3/6 chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao
9h54: Ông Trần Minh Triết, Trưởng Ban Kiểm soát Sacombank, báo cáo nội dung thực hiện các quy định pháp luật và Nghị quyết của ĐHĐCĐ của ngân hàng.
Theo đó, năm 2019 Ban điều hành đã hoàn thành 3/6 chỉ tiêu kế hoạch hợp nhất trọng yếu do ĐHĐCĐ giao.
Mặc dù các chỉ tiêu về dư nợ, huy động, tổng tài sản đều đạt 97-99% kế hoạch giao nhưng chỉ tiêu quan trọng là lợi nhuận trước thuế hoàn thành và vượt 21,4% kế hoạch; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,9%, đảm bảo dưới 2% theo kế hoạch; Duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Năm qua, Sacombank cũng bổ sung hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất và Mua nợ (đang trình NHNN xem xét và chấp thuận).
Định hướng hoạt động năm 2020 là ngân hàng tiếp tục giám sát chặt chẽ Đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt.
10h10: Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank, trình bày nội dung các tờ trình.
Cụ thể, tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.390 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sau khi trích các quỹ còn 1.618 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận giữ lại luỹ kế là 4.455 tỷ đồng.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức theo Đề án tái cơ cấu Sacombank khi được NHNN phê duyệt.
Về thù lao HĐQT và Ban kiểm soát năm 2020 là 2% lợi nhuận trước thuế hợp nhất…
10h25: ĐHĐCĐ chuyển sang phần thảo luận
Cổ đông đại diện cho một quỹ đầu tư nước ngoài: Tại ĐHĐCĐ năm 2019, việc bán tài sản thế chấp KCN Phong Phú thì lãnh đạo Sacombank có thể xác nhận lại về việc được uỷ quyền bán KCN Phong phú còn tính pháp lý không? Chỉ tiêu năm 2020 về xử lý nợ xấu?
Cổ đông: Tôi giữ cổ phiếu Sacombank đã 10 năm. Đầu tư cổ phiếu nhiều năm mà không có gì hết. Chúng tôi ủng hộ Sacombank vì là ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng lớn, lớn hơn ACB. Nhưng khi ngân hàng làm ăn có lời thì chia cổ tức cho cổ đông, kiến nghị chia 3-5% năm tới, vì ACB chia cổ tức 30% năm 2019.
Về việc họp ĐHĐCĐ trực tuyến thì việc bỏ phiếu điện tử khó lắm, chúng tôi quen “giơ lên, giơ xuống” quen rồi.
Trả lời cổ đông về việc tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết việc tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến là bất khả kháng, khi TP.HCM hết quy định giãn cách thì sẽ làm ĐHĐCĐ trực tiếp chứ không làm trực tuyến.
Cổ đông: Mấy năm nay, thị giá cổ phiếu STB ngày càng giảm trong khi ngân hàng vẫn làm ăn có lời?
Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT, trả lời câu hỏi cổ đông:
Về cổ đông nhà đầu tư nước ngoài, thực tế vừa qua, thị giá của Sacombank theo thị trường chứng khoán. Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam không tăng trưởng nên cổ phiếu ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Từ đầu năm 2020 đến nay, thị giá
STB có lúc lên 12.500 đồng/cổ phần, nhưng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thị giá
STB đã xuống 7.500 đồng/cổ phần. Hiện nay thị giá đã phục hồi nhưng vẫn giao dịch dưới giá trị sổ sách. Thành quả kinh doanh của Sacombank sẽ tốt hơn trong 1-2 năm tới khi tái cơ cấu thành công.
Về việc chia cổ tức cho cổ đông, HĐQT cũng chia sẻ với cổ đông và chúng tôi đã liên tục đề nghị với NHNN được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng chưa được NHNN đồng ý.
Về đại diện quỹ đầu tư cho rằng nên có việc gặp gỡ thường niên với các nhà đầu tư tổ chức. Thời gian tới HĐQT sẽ nghiên cứu thực hiện vấn đề này.
Về KCN Phong Phú, khách hàng này đã uỷ quyền toàn bộ cho Sacombank bán KCN này và Sacombank đã bán xong. Vừa rồi, UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu Sacombank tạm dừng việc bán đấu giá những khoản nợ xấu.
Về vấn đề thù lao HĐQT, phải có chi phí dành cho các thành viên hoạt động trong ban này. Chúng tôi cố gắng tiết kiệm từng đồng chi phí cho cổ đông.