Thời gian qua, dù hàng Việt luôn được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao, theo nhận định từ nhiều chuyên gia kinh tế, vài tháng tới đây hàng Việt sẽ phải chịu áp lực và cạnh tranh rất lớn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi.
Theo kết quả điều tra năm 2019 cho thấy 67% người được hỏi cho rằng kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đều tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ngoài ra, 52% khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam; 36% cho rằng trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao.
Chẳng hạn như lượng hàng Việt ở Co.opmart chiếm 90-93%, Satra 90-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%… Cùng với đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị nước ngoài như Lotte, BigC, AEON-Citimart, Emart cũng chiếm từ 65-96%.
Dù vậy, Vụ Thị trường trong nước cũng nhấn mạnh rằng hàng Việt đang đứng trước nhiều thách thức cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ EU. Bởi khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương khoảng 15 tỷ euro.
Hơn nữa, hàng hóa từ EU với chất lượng cao nổi tiếng toàn cầu như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm... sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn với hàng Việt. Không những thế, thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm từ EU vào Việt Nam sẽ giảm theo lộ trình về đến 0% khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8.
Để triển khai cam kết mở cửa thị trường hàng hóa trong EVFTA, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2020-2022. Vì vậy, nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam như ôtô dự kiến giảm 14,2-15,6% sau 2 năm.
Mặt hàng thịt lợn đông lạnh từ EU nhập vào Việt Nam sẽ giảm từ mức thuế từ 13,1% xuống còn 11,2% và 9,3% trong hai năm 2021-2022; thịt bò đông lạnh sẽ giảm thuế từ 15% xuống còn 10% và 5% trong hai năm tiếp theo...
Riêng với ngành sữa, thuế nhập khẩu sẽ giảm trong vòng 3 năm và sẽ cạnh tranh gay gắt với sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước. Chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam cũng cao hơn EU, cùng với năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU.
Cùng với sự cắt giảm về thuế, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh, chất lượng sẽ làm gia tăng cạnh tranh hàng Việt tại thị trường nội địa. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt cũng đang tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm cũng như uy tín, thương hiệu.
Dựa vào kết quả khảo sát có thể thấy rằng gần 2/3 người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng, sức khỏe và an toàn. Điều đó vượt xa mức trung bình toàn cầu là 49%.
Điều này sẽ tác động rất lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam nhất là khi EVFTA đi vào thực thi, hàng hoá giảm thuế tràn vào sẽ tạo sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng Việt.
Chính vì vậy, đây là thời điểm doanh nghiệp nội địa cần tối ưu hoá cũng như có chiến lược đúng đắn, cụ thể về giá, khuyến mại, đổi mới sản phẩm, bao bì, kích cỡ với nhiều mức giá khác nhau để phù hợp với chuẩn mực mới về giá trị cũng như sự chuyển đổi trong các kênh mua sắm.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 10 năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giả nhãn mác, đặc biệt là hàng nhập lậu không xuất xứ nhưng giả nhãn mác hàng hóa Việt Nam đang là tình trạng đáng lo ngại cho người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, nếu nhìn ở góc độ tích cực, áp lực cạnh tranh này sẽ giúp cho các doanh nghiệp, hàng hóa trong nước hoàn thiện hơn để tăng sức cạnh tranh, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi kép từ cả hai phía.
Đặc biệt, đây cũng là lúc các ngành sản xuất trong nước cơ cấu lại thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và đảm bảo thâm nhập vào thị trường 500 triệu dân của châu Âu.
Theo Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngành công thương thực hiện tốt việc giám sát tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam trong các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống và tình trạng doanh nghiệp lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi, làm ảnh hưởng xấu đến hàng Việt.
Hiện tại, Bộ Công Thương tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Mặt khác, Bộ cũng tiến hành triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19…
Đặc biệt, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tuy vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp hàng Việt phải đẩy mạnh phát triển thương hiệu, phát triển các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng cao lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu và cạnh tranh tốt trên sân nhà.