• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 3:06:02 SA - Mở cửa
Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục
Nguồn tin: Vietnam Finance | 17/07/2020 9:43:56 CH
Sở hữu 2 tài khoản tiết kiệm online tại Vietinbank với giá trị trên 500 triệu đồng, anh Đỗ Văn Tuấn (26 tuổi, Hoàng Mai) đang phân vân có nên tất toán cả 2 tài khoản tiết kiệm hay không, khi lãi tiền gửi được hưởng quá thấp so với kỳ vọng.
 
Theo anh Tuấn, 2 tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng được anh mở hồi đầu năm. Thời điểm mở, lãi suất tiền gửi online anh Tuấn nhận được với kỳ hạn 3 tháng là 4,7%/năm và 5,6%/năm với kỳ hạn 6 tháng.
 
Tuy nhiên, giữa tháng 7 vừa qua, cả 2 tài khoản đã đến hạn tất toán, khi tự động tái tục, mức lãi suất ngân hàng thông báo anh nhận được tiếp theo chỉ là 4,25%/năm với kỳ hạn 3 tháng và 4,7%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Thấp hơn rất nhiều so với lãi suất hồi đầu năm.
 
“Thậm chí, lãi tiền gửi online đã cao hơn 0,25-0,3% so với gửi tại quầy mà ngân hàng niêm yết. Nhưng so với đầu năm, lãi suất tiền gửi hiện nay quá thấp”, anh Tuấn chia sẻ.
 
Đã không còn mức lãi suất tiền gửi gần 9%/năm trên thị trường ngân hàng
 
Làn sóng hạ lãi suất huy động
 
Trên thực tế, lãi tiền gửi online tại hầu hết ngân hàng đều cao hơn 0,3-0,5% so với gửi tại quầy, nhưng từ cuối tháng 6, các ngân hàng lớn đã liên tục giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn.
 
Trong đó, riêng lãi tiền gửi dưới 6 tháng hiện đã thấp hơn 0,75-1% so với đầu năm, trong khi lãi kỳ hạn trên 6 tháng đã giảm 1-2%/năm.
 
Gần đây, làn sóng hạ lãi suất huy động tiếp tục diễn ra ở nhiều ngân hàng thương mại.
 
Techcombank vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng từ 3,7-4% xuống còn 3,15-3,65% (tùy đối tượng và điều kiện khách hàng). Nếu nhận trả trước, lãi suất thực tế khách nhận được chỉ là 3%/năm.
 
Nhà băng này cũng điều chỉnh lãi suất ở hầu hết kỳ hạn khác với xu hướng giảm 0,2-0,3% so với đầu tháng 7.
 
Sacombank cũng vừa điều chỉnh giảm 0,15-0,6% lãi suất tại các kỳ hạn dưới 12 tháng.
 
Tương tự, VPBank giảm 0,2-0,4%; ACB giảm 0,1-0,4%; hay VIB, NamABank, TPBank, Eximbank... đều giảm lãi tiền gửi tại nhiều kỳ hạn 0,2-0,5%/năm.
 
Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng hiện nay:
 
 
Đáng chú ý, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietinbank, Agribank, BIDV, Vietcombank) hiện đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp nhất thị trường.
 
Lãi suất tiết kiệm trên 12 tháng tại các nhà băng này hiện phổ biến ở mức 6%/năm. Riêng Vietcombank đã giảm lãi tiền gửi kỳ hạn 36 tháng xuống còn 5,8%/năm, thấp nhất thị trường và là mức thấp kỷ lục của tiền gửi dài hạn trong nhiều năm trở lại đây.
 
Eximbank cho biết, việc giảm lãi suất huy động của ngân hàng được thực hiện theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước với mức giảm 0,2-1%/năm đối với khách hàng cá nhân và 0,2-1,2%/năm với khách hàng doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, việc hạ lãi suất đầu vào cũng nhằm mục tiêu có thêm dư địa để hạ lãi suất cho vay, góp phần chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
 
Đằng sau lãi suất tiền gửi thấp
 
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công và quản lý trường Fulbright, cho biết trước tác động của dịch bệnh, phản ứng chính sách tiền tệ tại mỗi nước là khác nhau nhưng đều phải đảm bảo nguyên tác hệ thống tài chính lành mạnh, tránh khủng hoảng.
 
Trong khi nhiều nước chọn cách bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế (Mỹ, châu Âu thông qua mua nợ của doanh nghiệp) thì Việt Nam có chính sách tiền tệ thận trọng hơn khi dòng tiền chủ yếu đưa ra gián tiếp qua giảm lãi suất.
 
“Chúng ta luôn nói áp lực, nên hệ thống ngân hàng phải cho vay ưu đãi, cơ cấu lại nợ, gói tín dụng. Chính sách truyền thống của ngân hàng trung ương là hạ lãi suất điều hành để giảm lãi suất trên thị trường và tăng cung tiền”, ông Thành nói.
 
Vị chuyên gia cũng khẳng định trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng nhưng vấn đề chủ yếu của hệ thống tài chính nằm ở thanh khoản.
 
Theo đó, cơ quan quản lý cần đảm bảo hệ thống tài chính an toàn tránh việc khủng hoảng kinh tế kéo theo một cuộc khủng hoảng tiền tệ.
 
 
Nói với Zing, ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank, lý giải việc ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm có 2 nguyên nhân.
 
Một đến từ chủ trương quyết liệt chỉ đạo giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
 
Hai đến từ thực tế các ngân hàng đang gặp khó trong việc tăng trưởng tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
 
“Tín dụng đầu ra mà tăng trưởng khó thì đầu vào các ngân hàng cũng phải giảm lãi suất”, ông nói.
 
Theo vị lãnh đạo ngân hàng, hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều khó khăn nên các ngân hàng cũng phải giảm lãi suất cho vay. "Như vậy mới có người vay và trả được nợ, và muốn giảm lãi suất đầu ra thì buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất đầu vào”, ông nói.
 
Hiện nay, biên độ giữa lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng không còn nhiều, đó cũng là lý do lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm từ đầu tháng 7 đến nay.
 
Theo ông Tuệ, với biên lãi thuần như hiện nay, nếu không giảm lãi suất huy động mà giảm lãi cho vay có thể dẫn tới thua lỗ.
 
Ông lấy ví dụ, lãi suất huy động ở mức 5% mà cho vay ra chỉ 7%, ngân hàng sẽ chịu lỗ vì vẫn phải trang trải các chi phí, trích dự phòng.
 
Vì sao lãi vay không theo kịp lãi gửi
 
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác cho biết, lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2011-2012 đến nay.
 
Trong khi NHNN đã giảm lãi suất điều hành 2 lần thì các ngân hàng thương mại đến nay cũng điều chỉnh giảm lãi suất không dưới 3-4 lần.
 
“Hiện tại, rất khó tìm mức lãi suất tiết kiệm 7,8-8% tại các ngân hàng quy mô vừa và lớn. Trong khi nhóm ngân hàng nhỏ cũng đang phải giảm lãi suất thay vì đưa ra mức cao gần 9% như đầu năm”, vị này nói.
 
Các lãnh đạo ngân hàng đều khẳng định, khi lãi suất tiền gửi giảm chắc chắn lãi cho vay sẽ giảm theo
 
Chia sẻ thêm về lãi suất đầu ra, ông cho biết một số khách hàng phản ánh lãi tiền gửi giảm nhưng lãi cho vay không giảm, nhưng đó là các khoản vay hiện hữu, đã giải ngân.
 
Các khoản vay đã giải ngân chỉ được giảm lãi suất khi doanh nghiệp đó chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và nằm trong diện được giảm lãi mà ngân hàng áp dụng. Còn với các khoản tín dụng mới, khi lãi suất huy động giảm chắc chắn lãi cho vay sẽ giảm.
 
Lý giải mức giảm lãi suất cho vay thấp hơn huy động, ông nói, bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và phải cân đối biên lợi nhuận thuần giữa hoạt động đi vay và cho vay.
 
“Hầu hết trường hợp giảm lãi huy động sẽ kéo theo giảm lượng tiền huy động được từ cư dân và tổ chức kinh tế. Nếu cũng giảm lãi cho vay tương đương giảm huy động, ngân hàng sẽ sớm rơi vào tình trạng mất cân đối thanh khoản”, ông nói và khẳng định khi lãi suất huy động giảm từ đầu tháng 7, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới.
 
Ông Phan Đình Tuệ cho biết, việc giảm lãi suất 2 chiều thường không có độ trễ mà sẽ được áp dụng tùy tình hình tài chính mỗi ngân hàng.
 
“Có khi giảm lãi suất huy động mới giảm lãi suất cho vay nhưng đôi khi cũng ngược lại”, ông Tuệ phân tích thêm, trường hợp ngân hàng đang có sẵn tiền và cần cho vay thì phải giảm ngay lãi vay để có khách hàng. Nguồn tiền đang dư nếu khách hàng không vay được ở mức 6% thì giảm xuống 5% cũng phải cho vay, sau đó lấy phần lãi suất giảm đó để giảm lãi tiền gửi.
 
Ngược lại, ngân hàng chưa cho vay được nhưng người dân mang tiền tới gửi thì phải giảm lãi huy động trước, sau đó mới giảm lãi đầu ra.
 
Trong khi đó, với những khách hàng cá nhân như anh Đỗ Văn Tuấn, khi mà lãi suất tiết kiệm một năm (6%) còn thấp hơn 1 phiên tăng trần của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (6,9%), anh đang phân vân có nên dừng việc gửi tiết kiệm ngân hàng để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới hợp lý hơn.
 
“Có thể là vàng hoặc chứng khoán, có rủi ro nhưng không thể thấp như lãi tiền gửi được”, anh Tuấn khẳng định.