Có thể thấy, những vụ việc như vậy ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2015/TT-NHNN ngày 20/3/2015 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.
Rủi ro hoạt động hệ thống ngân hàng
Mới đây, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Thị Trà Lý (cựu cán bộ ngân hàng) 11 năm tù và Nguyễn Văn Mạnh ở Phú Xuyên, Hà Nội 7 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo buộc, từ tháng 1/2007 đến tháng 9/2009, Nguyễn Thị Trà Lý - cán bộ tín dụng của Phòng giao dịch ngân hàng tại Phú Xuyên, đã tạo lập hồ sơ vay vốn để cho Lê Văn Mạnh vay rồi chiếm đoạt tiền của ngân hàng nơi Lý làm việc.
Ngày 13/6, Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Trọng Nguyễn (SN 1994, ngụ xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long), từng là cán bộ tín dụng của một ngân hàng có chi nhánh ở huyện Càng Long để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh Gia Lai đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố Hồ Đức Anh (SN 1994, TP Pleiku) – nhân viên quan hệ khách hàng cá nhân của Ngân hàng Á Châu (ACB) - Chi nhánh Gia Lai về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, môi trường quản lý cán bộ, nhân viên ngân hàng khá lỏng lẻo dẫn đến cán bộ nhân viên ngân hàng lợi dụng. Bên cạnh đó, một số cán bộ ngân hàng ham mê kinh doanh, bất chấp đạo đức nghề nghiệp, lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng, rút tiền ngân hàng để "chơi" chứng khoán, kinh doanh vàng và ngoại tệ, buôn bán bất động sản...
Ngoài ra, còn có trường hợp say mê bài bạc, cá cược, lô đề... bị thua lỗ đến "túng làm liều", nhưng các cấp quản lý chậm phát hiện.
"Hiện nay, các ngân hàng chưa chú trọng việc đưa các chương trình pháp luật vào thực tiễn tập huấn, hướng dẫn và giáo dục cho cán bộ nhân viên. Cùng với đó, việc thiếu những quy định rõ ràng, chế tài nghiêm khắc đối với các cán bộ vi phạm nên đã dẫn đến tình trạng nhân viên vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng", một chuyên gia nhìn nhận.
Cấp thiết “bịt” kẽ hở
Trước tình trạng cán bộ ngân hàng lợi dụng danh nghĩa ngân hàng chiếm đoạt tài sản khách hàng, NHNN quyết định “chấn chỉnh” việc tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.
Trong đó, một điểm đáng chú ý là trụ sở chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ là đối tượng giám sát thuộc trách nhiệm giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Theo NHNN, qua thời gian thực hiện trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với các đối tượng thanh tra, giám sát theo phân công trách nhiệm, cơ quan quản lý đã nhận thấy có một số bất cập.
Cụ thể, quy định hiện hành về mạng lưới hoạt động của TCTD không bao gồm đơn vị trụ sở chính nhưng pháp luật hiện hành không cấm trụ sở chính hoạt động kinh doanh.
Hiện nay, trụ sở chính/bộ phận thuộc trụ sở chính của TCTD đang thực hiện hoạt động kinh doanh, bao gồm hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và có xu hướng mở rộng hoạt động.
Hoạt động kinh doanh của trụ sở chính của các TCTD chưa được quy định rõ là đối tượng thanh tra của Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh (trừ quỹ tín dụng nhân dân); đồng thời, qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng như phân công chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho thấy chưa có quy định cụ thể đơn vị nào trong Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với trụ sở chính/bộ phận thuộc trụ sở chính của TCTD phát sinh hoạt động kinh doanh.
Hiện, NHNN chi nhánh đang được giao kiểm tra, kiểm duyệt file báo cáo đơn vị trụ sở chính của các TCTD trên địa bàn.
Theo NHNN, việc chưa có quy định cụ thể đơn vị nào (NHNN chi nhánh/đơn vị có liên quan trong Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) có trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với trụ sở chính/bộ phận thuộc trụ sở chính của TCTD phát sinh hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra kẽ hở trong hoạt động thanh tra, giám sát, có thể tạo rủi ro mất an toàn hoạt động đối với từng TCTD nói riêng và hệ thống các TCTD nói chung.
Do đó, NHNN khẳng định việc ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2015/TT-NHNN để sửa đổi, bổ sung nội dung về phân công trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với trụ sở chính của TCTD là cần thiết và có cơ sở pháp lý.