Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho biết, trong quý II/2020, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và một tuần giảm mạnh, kết thúc quý ở mức 0,15%/năm và 0,43%/năm; giảm 95% và 86% so với đầu quý.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành một loạt các quyết định như QĐ số 918/QĐ-NHNN, QĐ số 919/QĐ-NHNN, QĐ số 920/QĐ-NHNN về giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay vào ngày 12/05/2020, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và một tuần lập tức giảm sâu xuống dưới mức 1%.
Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay nhờ vào thanh khoản dồi dào và lãi suất huy động giảm.
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại hiện ở mức 3,5% - 4,25% với kỳ hạn ngắn hạn, 4,4% - 7,5%/năm với kỳ hạn trung và dài hạn. Vùng lãi suất này đã thấp hơn 0,75% - 1%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thấp hơn từ 1% - 2%/năm ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với thời điểm cuối năm 2019.
Mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6% - 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 9% - 11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.
Theo đánh giá của các chuyên gia VERP, hành động cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 5 của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tốt hơn khi dịch bệnh Covid-19 đang phủ “bóng ma” lên nền kinh tế toàn cầu.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Điều này có tác động tích cực đến tâm lý thị trường.
Tăng trưởng cung tiền M2 tính đến ngày 19/06/2020 ở mức 4,59%, thấp hơn so với cùng kì năm 2019 (6,05%). Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền sản xuất trong nước.
Ngoài ra, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng là 4,35%; cao gần gấp đôi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế (2,45%).
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ cùng mức chênh lệch lớn giữa lãi suất huy động và cho vay khiến thanh khoản của các Ngân hàng thương mại đang ở mức dư thừa.
Nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất điều hành. Lãi suất tái chiết khấu giảm xuống còn 3%, lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%. Đồng thời ban hành thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hô trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.
Tuy nhiên, VERP khuyến cáo: “Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới cùng nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản trong nước, Ngân hàng Nhà nước cần rất thận trọng với tốc độ tăng trưởng cung tiền trong nước”.