Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE:
POW) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu giảm 22% còn 7.708 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ giảm 2% còn 1.337 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cải thiện ở mức 17,3%.
Hoạt động tài chính có hiệu lợi quả hơn khi doanh thu tăng thêm 153 tỷ và chi phí lại giảm 149 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí quản lý lại tăng mạnh 93% (205 tỷ) là yếu tố tác động xấu đến lợi nhuận. Theo đó, công ty báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 734 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm, PV Power có doanh thu thuần giảm 14% xuống 15.684 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 1.347 tỷ đồng, giảm gần 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ là 1.179 tỷ đồng, giảm 23%.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy doanh thu tài chính tăng lên chủ yếu do tăng lãi tiền gửi ngân hàng, chi phí tài chính giảm chủ yếu do giảm chi phí lãi vay. Chi phí quản lý tăng mạnh do tăng đột biến các khoản dự phòng từ 18 tỷ lên 223 tỷ đồng.
Năm 2020, tổng công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 35.449 tỷ đồng và kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm 28% còn 2.044 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp hoàn thành 66% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tổng tài sản cuối kỳ đạt trên 57.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ so với đầu năm; lượng tiền của doanh nghiệp tăng từ 5.741 tỷ lên 6.887 tỷ đồng. Tổng vay nợ của doanh nghiệp là 16.919 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ so với đầu năm và tương đương với 30% nguồn vốn.
Mới đây 21/7, HĐQT công ty đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) với tổng công suất khoảng từ 1.300 MW đến 1.760 MW (bao gồm hai nhà máy điện, mỗi nhà máy công suất khoảng 650 MW đến 880 MW). Đây là 2 dự án trọng điểm trong thời gian tới của doanh nghiệp.
Nhiên liệu sử dụng là khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ kho cảng LNG Thị Vải, tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn LNG/năm. Nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Dự án dự kiến khởi công trong quý II/2021. Số tiền đầu tư khoảng là 32.481 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 25% và vốn vay là 75%) có thể khiến cơ cấu nợ tổng công ty thay đổi lớn thời gian tới.