Năm 2024, tiền lương bình quân của người lao động tăng 4% với mức lương cao nhất được ghi nhận là 863 triệu đồng/tháng. Các địa phương có mức lương cao nhất tập trung tại TPHCM, Đồng Nai, Huế và Bắc Ninh.
Tiền lương năm 2024 đã tăng 4% với mức lương cao nhất là 863 triệu đồng/tháng. Ảnh: LÊ VŨ
Theo TTXVN, năm qua, mặc dù mức lương tối thiểu vùng đã tăng 6% từ đầu năm nhưng tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, chỉ tăng 4% so với năm 2023.
Khảo sát từ 52.440 doanh nghiệp với 5,72 triệu lao động ở 63 tỉnh, thành, mức lương cao nhất năm 2024 là 863 triệu đồng/tháng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực tư vấn quản lý dự án xây dựng ở TPHCM.
Bên cạnh TPHCM, một số tỉnh thành khác cũng ghi nhận mức lương cao cho các vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp này, bao gồm Đồng Nai với 692,6 triệu đồng/tháng, Huế với 657,25 triệu đồng/tháng và Bắc Ninh với 500 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2024, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ dẫn đầu về mức tăng lương bình quân với 9,8%, đạt 10,91 triệu đồng/tháng. Tiếp theo là công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước với mức tăng 7,5%. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh chỉ tăng lần lượt 0,1% và 1,2%.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục có mức lương cao nhất đạt 863 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp dân doanh là 471 triệu đồng/tháng, công ty cổ phần là 171 triệu đồng/tháng và công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 135,3 triệu đồng/tháng.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), thu nhập của người lao động năm 2024 phản ánh khá rõ hiệu suất làm việc và vai trò của từng nhóm.
Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động quản lý là 13,22 triệu đồng/tháng, lao động gián tiếp là 11,17 triệu đồng/tháng còn lao động trực tiếp là 10,88 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung hoàn thiện khung pháp lý và hướng dẫn thực hiện về quan hệ lao động và tiền lương, nhằm đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, bộ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu mới và chuẩn bị các văn bản hướng dẫn về tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước để thực hiện nghị quyết 27-NQ/TW.
Cơ quan chức năng sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quan hệ lao động, bao gồm xây dựng nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, hướng dẫn thực hiện các quy định, hỗ trợ đối thoại, thương lượng và giải quyết tranh chấp lao động.
Bình Dương-Link gốc