• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.246,09 -3,46/-0,28%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.246,09   -3,46/-0,28%  |   HNX-INDEX   221,68   -0,01/0,00%  |   UPCOM-INDEX   92,84   +0,04/+0,04%  |   VN30   1.314,81   -2,14/-0,16%  |   HNX30   461,80   +1,55/+0,34%
21 Tháng Giêng 2025 5:06:34 CH - Mở cửa
HVN: 'Gánh' sức ép khổng lồ từ nợ ngắn hạn
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 06/08/2020 4:48:00 CH
Nửa đầu năm 2020 là khoảng thời gian "đáng quên" đối với các doanh nghiệp hàng không, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng kéo theo nhu cầu đi lại bằng máy bay sụt giảm đến 90%, đồng thời các quốc gia trên thế giới "đóng cửa" biên giới khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng
 
 Những tưởng các doanh nghiệp sẽ "vực dậy" trong nửa cuối năm, nhưng việc dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam với "tâm dịch" tại Đà Nẵng đã khiến rủi ro kinh doanh ngày càng lớn, kế hoạch bù lỗ và tiến tới lợi nhuận trong nửa cuối năm trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
 
Gồng mình gánh lỗ
 
Nhìn lại, nửa đầu năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ trước thuế là 6.526 tỷ đồng và lỗ sau thuế là 6.642 tỷ đồng.
 
Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines quý II cho thấy, doanh thu thuần chỉ đạt chưa tới 6.000 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ. Nếu so với quý I, doanh thu của doanh nghiệp "bốc hơi" tới 70%.
 
Thu không đủ bù chi, khiến Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.981 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, Vietnam Airlines lãi 206 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả kinh doanh kém nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines.
 
Tính chung, lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines thu về 24.934 tỷ đồng doanh thu, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, ghi nhận lỗ trước thuế là 6.526 tỷ đồng và lỗ sau thuế chưa phân phối là 4.264 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.271 tỷ đồng.
 
Với khoản lỗ này, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đã giảm thấp hơn vốn điều lệ. Cụ thể, vốn chủ sở hữu ở mức 11.428 tỷ đồng, giảm 38,6% so với cùng kỳ và thấp hơn mức vốn điều lệ là 14.182 tỷ đồng.
 
Tại thời điểm 30/6/2020, tổng giá trị tài sản của Vietnam Airlines là 66.690 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 7.200 tỷ đồng và tài sản dài hạn giảm hơn 2.500 tỷ đồng.
 
Đáng lưu ý trong báo cáo tài chính quý II của "ông lớn" này là dòng tiền ngày càng thâm hụt, trong khi nợ vay ngày càng tăng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 5.371 tỷ đồng. Trong khi đó, vay nợ ngắn hạn tăng 4.600 tỷ đồng so với hồi đầu năm, lên 11.100 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ).
 
Ngược lại, tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm xuống mức 4.249 tỷ đồng, tức giảm 35% với đầu năm. Điều này cho thấy những áp lực lên dòng tiền của Vietnam Airlines trong ngắn hạn.
 
Mỗi ngày Vietjet chi gần 1,3 tỷ đồng lãi vay
 
Cùng chung khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong quý II, Vietjet kinh doanh dưới giá vốn và báo lỗ gộp 108,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi hơn 1.205 tỷ đồng.
 
Theo đó, doanh thu thuần của Vietjet đạt mức 4.969 tỷ đồng, giảm tới 60,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán trong kỳ lên tới 5.078 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn, VJC báo lỗ gộp 108,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi hơn 1.205 tỷ đồng.
 
Đáng chú ý, mức doanh thu dịch vụ vận tải hàng không giảm tới 54% so với cùng kỳ, đạt 1.970 tỷ đồng và mức lỗ hàng không 1.122 tỷ đồng.
 
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của Vietjet, tính riêng ở mảng vận tải hàng không. Tuy nhiên, con số này được ghi nhận khả quan trong bối cảnh ngành hàng không thế giới chịu mức thiệt hại kỷ lục hơn 84 tỷ USD.
 
Doanh thu hoạt động tài chính là điểm sáng trong báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2/2020 của VJC. Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 1.174 tỷ đồng, cao gấp 8,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
 
Phần thuyết minh cho thấy, nguồn doanh thu này của VJC chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện (388,4 tỷ đồng) và thu nhập tài chính khác (597,79 tỷ đồng). Bên cạnh đó, thu nhập khác của doanh nghiệp cũng tăng mạnh, đạt mức 413 tỷ đồng, cao gấp 23 lần so với cùng kỳ.
 
Tính đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của Vietjet đạt 48.392 tỷ đồng. Lượng tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 2.413 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản mục này hồi đầu năm có giá trị lên tới hơn 5.364 tỷ đồng.
 
Chưa kể, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn) cũng giảm từ mức gần 710 tỷ đống xuống chỉ còn 4 tỷ đồng.
 
Ngược lại các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 16.755 tỷ đồng lên 20.339 tỷ đồng, chủ yếu là gia tăng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Tuy nhiên, ghi nhận tại Vietjet về khoản mục vay ngắn hạn và dài hạn đồng loạt giảm trong 6 tháng. Trong đó, vay ngắn hạn giảm gần 2.000 tỷ đồng và vay dài hạn giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm.
 
Mặc dù vậy, chi phí lãi vay trong kỳ lại tăng từ mức 140 tỷ đồng lên 232 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày Vietjet chi gần 1,3 tỷ đồng lãi vay.
 
Theo dự báo, trong quý III/2020, kết quả kinh doanh của các "đại gia" hàng không sẽ tốt hơn khá nhiều so với quý II nhờ lượng hành khách đi lại tăng vọt trong giai đoạn cuối tháng 6 đầu tháng 7/2020. Tuy nhiên, việc dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng và một số địa phương lớn trong cuối tháng 7/2020 sẽ khiến hãng phải đối mặt với "trận chiến" Covid-19 lần thứ hai.
 
Giới chuyên gia nhìn nhận, với tình hình dịch Covid-19 đang quay trở lại Việt Nam và có diễn biến phức tạp như hiện nay thì chắc chắn sang quý III ngành hàng không vẫn đang phải chịu lỗ. Thậm chí, trong tháng 8 dịch chưa được khống chế, các doanh nghiệp hàng không khó có thể vực dậy được.