Tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 98 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính tổng 8 tháng, tổng xuất khẩu thủy sản sang EU đạt trên 600 triệu USD, giảm trên 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Với EVFTA, xuất khẩu tôm dự báo lạc quan, có thể tăng tỷ trọng trong các mặt hàng thủy sản sang EU, còn cá tra và cá ngừ không có triển vọng phục hồi từ nay đến cuối năm.
Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 98 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Tuy nhiên, các mặt hàng tôm, mực, bạch tuộc vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể, xuất khẩu tôm tăng gần 9% so với tháng 7, 16% so cùng kỳ 2019. Mực, bạch tuộc tăng gần 24% so với tháng 7, tăng 10% so với cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, cá tra phục hồi 4% so với tháng 7 nhưng vẫn giảm gần 24% so với cùng kỳ 2019. Xuất khẩu cá ngừ sau khi tăng 65% trong tháng 7, sang tháng 8 giảm sâu 17% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 28% so với tháng 7/2020.
Như vậy, tính chung 8 tháng, tổng xuất khẩu thủy sản sang EU đạt trên 600 triệu USD, giảm trên 13% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tôm vẫn giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, cá tra giảm sâu 34%, cá ngừ giảm 9%, mực, bạch tuộc giảm 37%, các hải sản khác giảm 14%.Tháng 8, xuất khẩu thủy sản sang EU tăng 1% so với cùng kỳ. Ảnh: Báo Công Thương
Lạc quan với xuất khẩu tôm
Tôm chiếm 52% xuất khẩu thủy sản sang EU, với tốc độ tăng trưởng sau EVFTA, dự báo sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong những tháng tới. Cá tra chiếm 15%, cá ngừ chiếm 14% và 2 sản phẩm này không có triển vọng phục hồi trong những tháng cuối năm. Mực, bạch tuộc chiếm 5%, còn lại hải sản khác chiếm 14%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc dự báo có thể tăng khoảng 10-15% trong những tháng cuối năm và tăng trưởng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu khai thác trong nước.
VASEP cho rằng với EVFTA, các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu sang EU được hưởng thuế 0% đã đem lại lợi thế lớn cho ngành tôm. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.
Đối với sản phẩm cá ngừ, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3-7 năm thuế được về 0%, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, đang bị áp thuế 18%-24%.
Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi thuế quan, VASEP nhận định ngành thủy sản cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng ATVSTP đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường EU. Điều quan trọng là doanh nghiệp biết tận dụng hiệu quả và linh hoạt, trung thực và hiệu quả quy tắc xuất xứ của hiệp định.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong hiệp định, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Lao động nghề cá, nhất là lao động trẻ em đang là vấn đề EU và các nước khác đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.