Phương án 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần đang được Bộ Công Thương cân nhắc. Thậm chí, có ý kiến cho rằng có thể xem xét thêm phương án 7 ngày hoặc 3 ngày điều chỉnh một lần.
Tại Dự thảo Nghị định 83 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đã đưa ra 2 phương án về thời gian điều hành giá xăng dầu.
Hướng tới bám sát giá thế giới
Theo đó, bên cạnh phương án thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 15 ngày như hiện tại, Bộ Công Thương đề xuất thêm phương án 10 ngày một lần (vào ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng).
Nếu các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng cao bất thường, trên 10% so với giá của kỳ liền kề trước đó, Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cơ quan soạn thảo đề xuất chu kỳ điều chỉnh 10 ngày một lần để phù hợp với cơ chế điều hành giá mặt hàng xăng dầu vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước. Biên độ 10 ngày điều chỉnh cũng có lợi hơn khi chủ động và bám sát diễn biến giá thế giới hơn khi giảm và tăng nhanh.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, việc nới biên độ giá xăng dầu tăng 10% hoặc giảm sâu mới báo cáo Thủ tướng cũng tạo ra room thuận tiện hơn cho cơ quan điều hành. Bởi với tình hình biến động địa chính trị như hiện nay, cứ 7% phải báo cáo sẽ không tạo ra sự linh hoạt, chờ ý kiến chỉ đạo lâu hơn. Tuy vậy, trong trường hợp có biến động bất thường về giá xăng dầu gây mất cân đối cung cầu sẽ linh hoạt điều chỉnh, chứ không nhất thiết chờ 10 ngày.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá đây là sự lựa chọn khá phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Phương án này có lẽ sẽ tốt nhất đối nhà điều hành trong việc điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, ông Long kỳ vọng bên cạnh phương án 10 ngày điều chỉnh một lần, Bộ Công Thương có thể xét thêm phương án 7 ngày, hoặc thậm chí 3 ngày điều chỉnh một lần.
"Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu càng ngắn càng tốt. Tất nhiên, phương án hợp lý nhất vẫn phải dựa vào khả năng thực hiện của nhà điều hành", ông Long nhìn nhận.
Về ý kiến điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, đây là mong muốn bất khả thi trong điều kiện thị trường xăng dầu vẫn chưa thể vận hành theo cơ chế thị trường.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, thị trường xăng dầu có lẽ trong một thời gian dài nữa vẫn phải điều chỉnh bằng công cụ của Nhà nước. Nhà nước điều chỉnh thì phải có mức thời gian phù hợp mới tập hợp được số liệu. Thời gian ngắn quá cũng không được, dài quá cũng không nên.
Ông Thịnh đồng tình với Bộ Công Thương về phương án điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần để tiệm cận với xu hướng biến động của thị trường thế giới. Tuy vậy, Bộ Công Thương vẫn cần đưa ra các kế hoạch rút dần thời gian điều chỉnh xuống. Ví dụ từ 10 ngày xuống 7 ngày, rồi xuống 3 ngày. Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu cần xây dựng sao cho phù hợp với xu hướng biến động của thị trường thế giới.
Thay đổi công thức tính giá
Về phía doanh nghiệp, đại diện Saigon Petro cho rằng, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu là cần thiết. Doanh nghiệp đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 15 ngày xuống 7 ngày. Có như vậy, giá xăng dầu mới tiệm cận với diễn biến giá thế giới. Đồng thời, hạn chế việc các đầu mối nhỏ trục lợi cơ chế điều hành giá vì họ chỉ nhập hàng nhanh khi có lãi, đến khi lỗ thì không nhập gây áp lực cho các đầu mối lớn, thậm chí khiến thị trường khan hiếm xăng.
Bên cạnh thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, ở dự thảo mới nhất, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu, gồm giá nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ tính giá CIF nhập khẩu như hiện tại.
Theo đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng giá xăng dầu thế giới + chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam + chi phí kinh doanh định mức tối đa + mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu + lợi nhuận định mức + các khoản thuế, phí và trích nộp khác theo quy định.
Còn với giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án tính toán. Phương án 1, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng giá thế giới cộng hoặc trừ Premium (nếu có), cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá... theo quy định.
Trong đó, Premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng. Khoản chênh lệch này do Bộ Tài chính xác định, không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước nhân với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất.
Phương án 2, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước là giá bán xăng dầu bình quân của các nhà máy lọc dầu cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá... theo quy định.
Ông Trần Duy Đông cho biết, Ban soạn thảo đề xuất lựa chọn phương án 1 để phù hợp với tập quán mua bán trên thế giới và phù hợp với yêu cầu quản lý điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước như đang áp dụng hiện nay theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Theo phương án này, tuy đã tách được 2 nguồn nhưng nguyên tắc tính giá cơ sở cơ bản không có thay đổi, phù hợp với tập quán mua bán xăng dầu trong khu vực và thế giới, phản ánh đúng thực tế hiện nay. Đồng thời không làm phát sinh thêm các thủ tục từ phía doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp đầu mối như phải thực hiện công tác tổng hợp kê khai giá bán với cơ quan quản lý nhà nước, không gây xáo trộn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện hành.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện đã chiếm hơn 70% nhu cầu tiêu thụ nội địa, nên tính theo công thức cũ không ổn mà phải tính cả hai nguồn. Nguồn nhập khẩu tính theo công thức cũ của Nghị định 83/2014, còn nguồn sản xuất trong nước tính theo các loại thuế, phí sản xuất, kinh doanh trong nước.
Tuy vậy, ông Thịnh lưu ý, việc thay đổi công thức tính giá xăng dầu thế giới về nguyên tắc không được gây biến động mạnh lên giá xăng dầu, đảm bảo quyền lợi của người dùng.
Phó Thủ tướng Chính phủ
Trịnh Đình Dũng
Việc sửa đổi Nghị định 83 là cần thiết để phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước. Theo đó, Ban soạn thảo cần đảm bảo cân đối giữa lợi ích nhà sản xuất, phân phối, người dân, gắn với trách nhiệm và phù hợp với điều kiện Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lược quốc gia.
TS. Nguyễn Đức Độ Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính
Việc rút ngắn thời gian điều chỉnh xăng dầu xuống 10 ngày có thể phù hợp, nhưng điều mà người dùng quan tâm nhất là thị trường xăng dầu phải tiến tới cạnh tranh. Từ đó, giá được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, không có "bàn tay" can thiệp của Nhà nước.
Ông Trịnh Quang Khang Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Phương án điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần được doanh nghiệp đồng thuận. Còn với phương án thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày là không phù hợp. Tất nhiên, mỗi một phương án đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tính toán kỹ lợi, thiệt để đưa ra cách thực hiện phù hợp nhất.