Thanh khoản cổ phiếu liên tiếp ghi nhận các mức kỷ lục mới, giao dịch tại HoSE vẫn đang quá tải trong phiên chiều. Áp lực thanh khoản tại HoSE sẽ càng tăng thêm khi hàng loạt cổ phiếu được chấp thuận mới, hàng loạt phương án tăng vốn được công bố.
Thanh khoản kỷ luc tại HoSE
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thăng hoa về mặt điểm số lẫn thanh khoản. Nhiều công ty chứng khoán dự báo chỉ số VN-Index có thể tiến về vùng đỉnh lịch sử hơn 1.200 tỷ đồng nhờ dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư mới.
Cùng với đó, tổng khối lượng giao dịch trong tháng 12/2020 cũng đạt gần 17,6 tỷ cổ phiếu, tăng gần 70% so với tháng 11/2020. Giá trị giao dịch bình quân theo đó đạt đến 14.800 tỷ đồng, gấp đôi bình quân năm 2019.
Thanh khoản tiếp tục lên cao trong tuần đầu tiên của năm 2021. Tổng khối lượng giao dịch trong phiên cuối tuần qua đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 21.059 tỷ đồng; trong đó giá trị khớp lệnh tiếp tục lập kỷ lục với 19.250 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường liên tiếp ghi nhận các mức kỷ lục, hệ thống giao dịch tại HoSE chịu áp lực lớn. Ảnh: Wikipedia.
Thanh khoản ghi nhận các mức kỷ lục mới giúp chỉ số tăng mạnh nhưng cũng trở thành “cơn đau đầu” cho các nhà quản lý, nhất là tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Tình trạng nghẽn và chậm trả lệnh đã trở nên thường nhật trong các phiên giao dịch gần đây, trong khi phương án nâng lô chẵn lên 100 cổ phiếu chỉ hỗ trợ một phần cho hệ thống của HoSE.
Không chỉ hàng loạt tài khoản mở mới và dòng tiền từ các kênh đầu tư khác đổ vào, tình trạng quá tải trên HoSE còn do nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh. Trong năm qua, nhiều công ty và ngân hàng lớn đã thực hiện niêm yết mới hoăc chuyển sàn niêm yết, làm tăng thanh khoản chung
Đáng kể nhất phải tính đến nguồn cung hàng tỷ cổ phiếu đến từ khối ngân hàng. Gần đây nhất là gần 1,18 tỷ cổ phiếu Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) niêm yết ngày 23/12/2020, thanh khoản bình quân là gần 11 triệu cổ phiếu/phiên.
Hay trước đó, ACB chuyển niêm yết hơn 2,16 tỷ cổ phiếu vào ngày 9/12/2020 và ghi nhận mức thanh khoản hơn 11,5 triệu cổ phiếu/phiên. Tương tự trong tháng 11/2020, HoSE nhận thêm hơn 1,07 tỷ cổ phiếu LPB và gần 1,08 tỷ cổ phiếu VIB. Thanh khoản bình quân của LPB và VIB lần lượt gần 11 triệu đơn vị và gần 1 triệu đơn vị mỗi phiên.
Gần đây HoSE cũng được bổ sung một lượng lớn cổ phiếu từ các công ty khác như gần 442 triệu cổ phiếu Vinaconex (VCG), gần 128 triệu cổ phiếu Chứng khoán VIX, gần 42 triệu cổ phiếu Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) hay 32 triệu cổ phiếu Đầu tư BKG Việt Nam (BKG)…
Nguồn cung hàng tỷ cổ phiếu mới chờ giao dịch
Nguồn cung cổ phiếu trên HoSE có lẽ chưa dừng lại khi Sở giao dịch này cũng vừa chấp thuận niêm yết cho 9 doanh nghiệp mới, điều này sẽ gây thêm áp lực lớn hơn lên hệ thống giao dịch đang quá tải của đơn vị quản lý này.
Nguồn cung lớn nhất vẫn đến từ khối ngân hàng khi SeABank được chấp thuận niêm yết gần 1,21 tỷ cổ phiếu và khối lượng của Ngân hàng Phương Đông (OCB) là gần 1,1 tỷ cổ phiếu.
Đáng chú ý, HoSE trong ngày 30/12 còn chấp thuận niêm yết thêm cho 3 công ty khác là Tổng CTCP bảo hiểm quân đội (UPCoM: MIG), Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (HNX: NHA), CTCP Thép Vicasa - VNSteel (UPCoM: VCA).
Còn trước đó, CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa được chấp thuận niêm yết lần đầu 34,8 triệu cổ phiếu. Doanh nghiệp ngành truyền thông Clever Group (UPCoM: ADG) chuyển sàn hơn 18 triệu cổ phiếu. Giấy Hoàng Hà Hải Phòng (HNX: HHP) chuyển niêm yết 18 triệu cổ phiếu. Công ty sản xuất sợi Vũ Đăng niêm yết mới 12,9 triệu cổ phiếu.
Như vậy, tổng khối lượng chấp thuận niêm yết trong những ngày cuối năm 2020 lên gần 2,56 tỷ cổ phiếu.
HoSE chấp thuận niêm yết cho 9 doanh nghiệp ngay cuối năm 2020.
Ngoài các doanh nghiệp đã có quyết định chấp thuận niêm yết để chờ ngày giao dịch, HoSE còn đang nhận hồ sơ để thẩm định cho 9 đơn vị khác với khối lượng gần 2,45 tỷ cổ phiếu. Đáng chú ý có SHB, Ngân hàng Nam Á, nhà phân phối máy ảnh Lê Bảo Minh…
Lượng cung cổ phiếu sắp tới cũng còn chịu áp lực từ việc tăng vốn và niêm yết bổ sung. Tháng 11/2020, HoSE nhận giao dịch thêm gần 362 triệu cổ phiếu MBB do phát hành trả cổ tức. Gần 98 triệu cổ phiếu LPB được giao dịch bổ sung từ ngày 8/1…
Danh sách 9 doanh nghiệp đang nộp hồ sơ niêm yết chờ thẩm định.
Thị trường chứng khoán đang thuận lợi cho việc huy động vốn, hàng loạt các phương án phát hành cổ phiếu được giới thiệu ra thị trường. Becamex IJC (HoSE: IJC) đã thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ đấu giá 80 triệu cổ phiếu và dự kiến niêm yết bổ sung cổ phiếu trong vòng 30 ngày sau khi được điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán.
Tập đoàn Novaland (HoSE: NVL) thông báo chào bán 77,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 36.526 tỷ đồng. Giá chào bán là 59.200 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền dự kiến huy động 4.598 tỷ đồng.
SAM Holdings (HoSE: SAM) sẽ chốt danh sách cổ đông vào 18/1 để thực hiện quyền mua 93,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 36,45%. Tập đoàn Everland (HoSE: EVG) sẽ phát hành 45 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 75%.
Vietnam Airlines (HoSE: HVN) với những khó khăn lớn đã được Chính phủ đồng ý “giải cứu”. Theo đó Nhà nước cho doanh nghiệp vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%; đồng thời doanh nghiệp được thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn với tổng giá trị 8.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
Một số công ty khác cũng đang có kế hoạch chào bán lượng lớn cổ phần như Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (HoSE: CKG) dự kiến phát hành quyền mua 30 triệu cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện hơn 57%. Tập đoàn Cienco4 (UPCoM: C4G) có kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu trong nửa đầu năm. Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) phát hành quyền mua 1:1 với khối lượng 32,6 triệu cổ phiếu. Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) chào bán 16,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 50%. Becamex BCE đấu giá công khai 5 triệu cổ phiếu…