Lãnh đạo Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đưa cổ phiếu niêm yết HoSE để tăng cơ hội thu hút vốn từ các quỹ nước ngoài.
Doanh nghiệp có kế hoạch mở thêm các bệnh viện ở TP HCM và Hà Nội.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HoSE:
TNH) đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM vào 6/1/2021, là bệnh viện đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán. Trước đó, Bệnh viện Tâm Tâm Đức cũng đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM – nơi có điều kiện đơn giản hơn.
Tiến hành niêm yết cổ phiếu, ông Hoàng Tuyên – Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên kỳ vọng thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài, huy động nguồn vốn cho mục tiêu mở chuỗi bệnh viện phục vụ được số đông người dân. Với nền y tế Việt Nam, vị chủ tịch đánh giá tiềm năng tăng trưởng rất lớn, đây là thời điểm cố gắng để đáp ứng giảm tải chứ không cạnh tranh nhau.
Lãnh đạo Bệnh Viện Quốc tế Thái Nguyên nhận định dư địa phát triển bệnh viện tư ở Việt Nam rất lớn.
Tham vọng thu hút vốn đầu tư xây dựng chuỗi bệnh viện
- Là bệnh viện đầu tiên niêm yết tại HoSE, ông có kỳ vọng gì khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán?
- Năm 2020, chúng tôi mở thêm Bệnh viện Đa khoa Yên Bình và Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên giai đoạn II. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ mở thêm bệnh viện chuyên khoa Sản nhi và Mắt. Hiện Thái Nguyên chưa có bệnh viện chuyên khoa sản nhi còn cả vùng Đông Bắc chưa có bệnh viện chuyên khoa mắt, nên ban lãnh đạo muốn đầu tư để đón đầu nhu cầu của người dân.
Trước mắt, chúng tôi đề ra mục tiêu xây dựng bệnh viện chuyên khoa tại tỉnh Thái Nguyên ngay trong năm nay, trong khi các bệnh viên đa khoa ở khu vực lân cận khởi công năm nay hoặc năm sau.
Xa hơn, công ty có kế hoạch mở thêm một số bệnh viện ở Hà Nội. Ngay cả TP HCM, tôi cũng đã vào khảo sát nhiều vị trí và có thể sẽ mở bệnh viện ở quận 2.
Do kế hoạch mở rộng nên việc tiếp xúc, tìm kiếm nhà đầu tư là điều đương nhiên. Qua đó, nhà đầu tư khuyên nên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để minh bạch thông tin. Quá trình niêm yết cổ phiếu được chuẩn bị trong 3 năm và theo kế hoạch là chào sàn vào quý II/2020. Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát đầu năm khiến bệnh viện phải dồn sức lực cho công tác phòng dịch. Đồng thời, đơn vị kiểm toán hạn chế đến bệnh viện do e ngại nguy cơ lây nhiễm làm quá trình hoàn thiện hồ sơ bị chậm lại.
Khi niêm yết cổ phiếu, tôi kỳ vọng thu hút được vốn để xây dựng chuỗi bệnh viện theo đúng lộ trình. Ngoài nhà đầu tư trong nước thì chúng tôi cũng hướng đến quỹ đầu tư nước ngoài. Bản thân tôi cũng đã gặp gỡ và tiếp xúc nhiều quỹ, họ tỏ rõ sự quan tâm đến hệ thống bệnh viện tư ở Việt Nam. Ngoài nguồn vốn thì chúng tôi còn mong muốn nhận được hỗ trợ từ hệ thống quản lý tốt của các quỹ đầu tư.
Việt Nam hiện có rất nhiều bệnh viện tư chất lượng tốt nhưng giá cũng quá cao so với thu nhập người dân. Do đó, định hướng của chúng tôi là tạo được hệ thống bệnh viện chất lượng cao, nhưng có giá phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân.
- Lý do để công ty mở rộng hệ thống bệnh viện, ngay cả nơi có nhiều cơ sở như Hà Nội và TP HCM là gì?
- Hiện nay, tỷ lệ giường trên bệnh nhân của Việt Nam còn quá ít so với khu vực, mới khoảng 27,5 giường bệnh/ 10.000 dân. Con số này của Trung Quốc là 42 và Hàn Quốc là 103. Để đạt tỷ lệ tương đương Hàn Quốc thì Việt Nam đang thiếu khoảng 2.000 bệnh viện quy mô 400 giường bệnh, tương đương của Trung Quốc thì thiếu 750 bệnh viện.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì tỷ lệ giường bệnh càng thấp. Ở Hà Nội, tỷ lệ nằm ghép là rất lớn, có thể 4 sản phụ trên 1 giường bệnh. Do vậy, tôi không lo về việc không cạnh tranh được ở các thành phố lớn.
Số lượng bệnh viện tư tại Việt Nam so với bệnh viện công hiện nay còn quá ít. Khi đến Hàn Quốc hay Nhật Bản, bạn sẽ thấy bệnh viên tư rất phát triển. Hệ thống bệnh viện công chỉ khám những bệnh xã hội như lao, tâm thần…trong khi bệnh viện tư mới đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Tôi cho rằng các bệnh viện tư mới chỉ đang có tác dụng giảm tải chứ không cạnh tranh nhau, khoảng trống đầu tư bệnh viện là rất lớn. Hiện tại, ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế hạn hẹp thì bắt buộc phải để tư nhân phát triển.
Địa bàn hoạt động chúng tôi chủ yếu ở tỉnh Thái Nguyên. Đây là khu vực trung tâm của vùng Đông Bắc, có nhiều trường đại học, khu công nghiệp, dân số rất đông và dân ở các tỉnh lân cận đến khám chữa bệnh cũng rất nhiều.
Bệnh viện đang triển khai các phương thức để thu hút doanh nghiệp đưa nhân viên đến khám bệnh định kỳ. Ví dụ như Bệnh viện Đa khoa Yên Bình nằm ngay khu đông công nhân của Samsung. Nhiều doanh nghiệp cho nhân viên đi khám định kỳ và số lượng các đơn vị có hoạt động này ngày càng tăng. Tuy nhiên, mảng này đóng góp nguồn thu còn thấp mà chủ yếu vẫn đến từ người dân đến khám chữa bệnh.
Nhiều bệnh nhân ở nước ngoài về Việt Nam khám chữa bệnh kèm du lịch
- Xây chuỗi bệnh viện tư phù hợp với mọi người dân, nghĩa là mức viện phí cũng phải tương đương với bệnh viện công. Doanh nghiệp làm thế nào để đạt được điều này?
- Bệnh viện công được nhà nước tài trợ nên có chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế các năm qua là không nhiều khiến trang thiết bị xuống cấp, các bệnh viện công cũng đã dần chuyển qua tự chủ. Đây là cơ hội cho bệnh viện tư phát triển.
Thực tế thì giá viện phí của chúng tôi đang bằng bệnh viện công. Do chúng tôi phân thành 2 tuyến, một tuyến khám theo bảo hiểm y tế và một tuyến khám theo yêu cầu. Điều này giúp bệnh viện đáp ứng được cả đối tượng thu nhập thấp và đối tượng thu nhập cao.
Bên cạnh đó, bệnh viện có liên kết với tất các các y bác sỹ ở các bệnh viện tuyến đầu. Bệnh nhân nằm ở bệnh viện Quốc Tế Thái Nguyên nhưng có thể yêu cầu bác sỹ các bệnh viện lớn thuộc tuyến đầu đến khám, chữa bệnh, phẫu thuật. Tất nhiên, mức viện phí sẽ cao hơn thông thường nhưng so với chi phí bệnh nhân phải ra Hà Nội, TP HCM hay các nơi khác khám kèm người nhà đi cùng chăm sóc thì vẫn rất rẻ.
Chúng tôi cố gắng đưa bác sỹ về với người bệnh chứ không phải đưa bệnh nhân đến với bác sỹ. Để làm được điều này, bệnh viện phải có đủ trang thiết bị đảm bảo tiến hành các ca phẫu thuật khó. Tôi có thể khẳng định thiết bị, máy móc của bệnh viện là hiện đại nhất trong khu vực và được trang bị đầy đủ, trừ một số trường hợp phức tạp như mổ tim.
- Ngoài việc quá tải, hệ thống y tế Việt Nam còn gặp phải những vấn đề nào khác?
- Điều quan trọng nhất với ngành y là thái độ phục vụ, chuyên môn và trang thiết bị. Trang thiết bị cho y tế của Việt Nam hiện nay đã tương đương các nước trong khu vực, chỉ cần điều chỉnh về thái độ và chuyên môn thì không thua kém.
Điều bệnh viện tư cần thay đổi để cạnh tranh là quản lý sao cho gọn nhẹ nhất, phù hợp nhất. Các bệnh viện tư đều rất nhanh nhạy trong việc tạo sự tiện nghi, thoải mái cho bệnh nhân. Mỗi bệnh viện tư đều rất có bộ phận chăm sóc khách hàng, hỗ trợ người dân đến khám chữa bệnh thủ tục bảo hiểm hoặc đỡ phải di chuyển quá nhiều.
Về mặt chuyên môn, tôi đánh giá trình độ tay nghề của bác sỹ Việt Nam tốt nhưng chuẩn y tế, chuẩn đào tạo của Việt Nama không giống nước khác khiến bác sỹ ra nước ngoài không hành nghề được.
Hiện có nhiều bệnh nhân ở nước ngoài về khám chữa bệnh tại Việt Nam. Giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 của Thái Lan. Họ về Việt Nam chữa các bệnh không quá cấp tính như răng, sau khi khám xong vẫn còn dư một khoản để đi du lịch trong nước.
Theo tôi, mức viện phí thấp liên quan đến nhiều điều kiện vĩ mô như mức đóng bảo hiểm, thu nhập thấp chứ không phải do chất lượng.
Mức viện phí khám chữa bệnh ở Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực.
- Dịch bệnh có tác động như thế nào đến hoạt động của Bệnh viện Thái Nguyên hay kế hoạch của công ty?
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, công ty đã dồn nguồn lực để triển khai giải pháp phòng dịch và đảm bảo hoạt động được thông suốt. Đợt dịch tái bùng phát lần 2 khiến hoạt động của hai bệnh viện ngưng trệ đôi chút nhưng nhìn chung, ngoài việc làm chậm lại quá trình niêm yết cổ phiếu thì mọi kế hoạch vẫn theo đúng tiến độ, do tỉnh Thái Nguyên đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Đơn vị cũng đưa hệ thống công nghệ thông tin vào ứng dụng trong quá trình vận hành bệnh viện để làm sao sự tiếp xúc là ít nhất.
70-80% thuốc được chúng tôi sử dụng do các doanh nghiệp Việt Nam hoặc do các hãng nước ngoài đặt trụ sở tại Việt Nam sản xuất, ngoại trừ một số dòng thuốc đặc trị hiếm gặp như bệnh tim là phải nhập khẩu. Ngược lại, trang thiết bị y tế, máy móc thì phải nhập khẩu gần như toàn bộ từ các nước phát triển. Tuy nhiên, khi lên kế hoạch mở rộng thì việc nhập khẩu đã được chúng tôi định hướng trước từ 5 đến 6 tháng nên không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.