Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, Công ty Chứng khoán SSI vẫn có năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới sàn HoSE với 12,33%.
Khẳng định cả tập thể luôn nỗ lực giữ vững thị phần số 1 nhưng Tổng giám đốc
SSI Nguyễn Hồng Nam trong một chia sẻ mới đây với chúng tôi cho biết đó không phải là mục tiêu duy nhất mà công ty buộc phải đánh đổi.
Ông Nguyễn Hồng Nam, TGĐ CTCP Chứng khoán SSI.
- Thị trường chứng khoán 2020 chứng kiến sự xáo trộn bảng xếp hạng thị phần. Là lãnh đạo công ty chứng khoán hoạt động từ những ngày đầu của thị trường, ông nghĩ sao về điều này?
- Cạnh tranh là rất cần thiết để thúc đẩy thị trường chung phát triển. Thị phần môi giới là một tiêu chí đánh giá quan trọng đối với mỗi công ty chứng khoán nhưng chắc chắn không phải mục tiêu hoạt động duy nhất.
Tại bảng xếp hạng thị phần những quý vừa qua, một số công ty chứng khoán lớn như HSC, Bản Việt hay VnDirect đã tụt hạng để nhường chỗ cho VPS – tên tuổi mới rất năng động. Tuy nhiên đối với những tiêu chí đánh giá hoạt động khác, họ chắc chắn vẫn là công ty hàng đầu khi mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất của thị trường chứng khoán chính là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Chúng ta không thể phủ nhận đóng góp của họ trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm đầu tư có chất lượng, tham gia tư vấn nhiều thương vụ triệu đô hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.
Tôi tin rằng mỗi công ty đều có những mục tiêu riêng để theo đuổi và hành động theo những mục tiêu đó.
- Vậy công ty nào mới thực sự là đối thủ cạnh tranh của SSI và mục tiêu theo đuổi của SSI là gì?
- Đối với
SSI, chúng tôi coi bản thân mình mới chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất và nỗ lực từng ngày để phát triển.
Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi gắn liền với sứ mệnh "kết nối vốn và cơ hội đầu tư". Trong 20 năm qua, có những thời điểm chúng tôi không đứng đầu về thị phần môi giới, nhưng
SSI luôn là công ty chứng khoán số 1. Điều chúng tôi quan tâm lớn nhất đó là làm sao để xây dựng và bảo vệ thị trường chứng khoán, giữ an toàn và hiệu quả cho nhà đầu tư lâu dài, trên quan điểm chúng ta cùng thành công.
Với đặc thù của ngành tài chính, khủng hoảng từ một thành viên của thị trường sẽ dễ dàng ảnh hưởng sang các thành viên khác và ảnh hưởng tới toàn hệ thống nói chung, do đó tăng trưởng bền vững luôn là lựa chọn của
SSI để có thể tồn tại và vững bước đồng hành cùng sự phát triển của thị trường.
- Theo ông, năm 2021 sẽ như thế nào?
Chúng tôi cho rằng động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đến từ tác động của sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế thế giới, chưa kể đến những tác động tích cực hơn từ việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA hay RCEP. Đầu tư từ khu vực tư nhân, cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ trở lại vai trò dẫn dắt, sau khi đầu tư công đã tăng trưởng mạnh trong năm 2020.
Thị trường chứng khoán 2021 được kì vọng tiếp tục vận động trong xu hướng tăng chủ đạo khi các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế này tiếp tục phát đi tín hiệu đúng định hướng, và chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục theo hướng hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn ETF cũng sẽ hỗ trợ cho thị trường tăng trưởng.
Thị trường 2020 đã đón nhận lớp nhà đầu tư mới với sự tăng trưởng vượt bậc cả về mặt chỉ số lẫn quy mô. Thách thức đặt ra cho chúng ta là nên làm gì để giữ được nhịp độ phát triển của thị trường trong năm 2021 và những năm tiếp theo, để tiếp tục giữ nhà đầu tư tiếp tục ở lại với thị trường chứng khoán – khiến thị trường thực sự trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu của nền kinh tế và giữ tài sản an toàn, hiệu quả cho người dân. Còn rất nhiều việc mà
SSI cùng các công ty chứng khoán nên tập trung thay vì giành giật nhau miếng bánh thị phần.