Giá năng lượng thế giới tăng nhanh trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp phân bón phải đối mặt cơn bão tăng giá nguyên vật liệu đẩy giá thành sản xuất tăng mạnh.
Chi phí nguyên liệu, chi phí phòng dịch, vận chuyển đang ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp phân bón.
Nông dân gặp khó vì giá lúa thấp hơn trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tăng so với năm ngoái.
Việc giá năng lượng thế giới tăng nhanh trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp phân bón phải gồng mình chống chọi với cơn bão giá nguyên vật liệu tăng đột biến, đẩy giá thành sản xuất tăng mạnh. Trong khi đó, tăng giá đầu ra cao hơn sẽ gây khó khăn rất lớn cho ngành sản xuất nông nghiệp bởi đây cũng là thời điểm hết sức khó khăn của ngành này do giá nông sản thấp, đầu ra gặp khó khăn, các thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực thu hẹp, càng khiến đời sống của nông dân thêm khó khăn hơn trước.
Giá nguyên liệu tăng cao khiến giá thành của doanh nghiệp phân bón tăng cao.
Diễn biến thị trường dầu lửa thế giới cho thấy, chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu Brent tăng từ mức gần 54 USD/thùng từ ngày 3/1/2021 lên mức sát 80 USD/thùng vào những ngày cuối tháng 9/2021, tương đương mức tăng khoảng 48% trong vòng có 9 tháng. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và theo dự báo của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế uy tín, trong giai đoạn cuối năm 2021, giá dầu có thể tiếp tục xu hướng tăng và chạm mốc 90 – 100 USD/thùng.
Trong một diễn biến mới, tại châu Âu đang diễn ra khủng hoảng năng lượng: khí đốt. Theo Reuters đưa tin, hiện giá khí đốt ở châu lục này chạm mức 93,3 USD/mwh, tăng 250% từ đầu năm đến nay. Mức tăng này nằm ngoài dự báo của bất kỳ tổ chức, chuyên gia nào trong ngành năng lượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chững lại và sản xuất toàn cầu suy giảm và chưa thể khôi phục sản xuất như thời kỳ trước đại dịch Covid-19 diễn ra.
Tại Mỹ, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngày 28/9 giao tháng 10 ở mức 5,841 USD/mmBtu, cao nhất kể từ tháng 2/2014 đến nay – lập kỷ lục đỉnh mới trong 7 năm qua. Giá LNG tại Mỹ dù cao như vậy nhưng vẫn còn thua xa giá LNG ở châu Á và châu Âu bởi giá ở 2 thị trường này đã chạm mốc 29 USD/mmBtu, tức cao gần 5 lần so với giá LNG tại Mỹ. Chính điều này, đang đẩy các nhà nhập khẩu ở châu Á và châu Âu tìm kiếm săn lùng nguồn hàng LNG tại Mỹ nhưng Mỹ chỉ đủ khả năng xuất khẩu 10% nguồn cung trong nước mà thôi.
Có thể thấy, giá dầu, giá khí tăng cao đang đe dọa tới nhiều ngành như phát điện, hộ tiêu thụ công nghiệp, hóa chất, thép, phân bón, thực phẩm…bởi nguồn cung khí đốt hữu hạn còn nhu cầu thì cao và tăng đột biến đang khiến các doanh nghiệp phân đạm sử dụng nguyên liệu khí trong nước đứng ngồi không yên, trong đó có các doanh nghiệp như Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ và nhiều doanh nghiệp khác trong ngành sản xuất kinh doanh phân bón Việt Nam.
Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh trong 3 quý năm 2021 khiến chi phí sản xuất tại Đạm Cà Mau (HoSE:
DCM) tăng đột biến, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, do phát sinh hàng loạt chi phí liên quan: từ bốc dỡ hàng lên tàu; thuê vận chuyển, bốc dỡ, tìm kiếm kho bãi, làm hàng khó khăn do tình trạng thiếu nhân công tại các kho, cảng gây nên như báo chí đã đưa tin trong các tháng qua. Ngay cả khi tìm được các đơn hàng xuất khẩu, việc tổ chức, triển khai đơn hàng với đối tác cũng gặp trở ngại: từ khâu tìm thuê nhân công làm hàng; tìm kiếm đơn vị vận chuyển từ nhà máy lên cảng khu vực TP HCM; việc xét nghiệm, tuân thủ quy định về phòng chống Covid-19 khiến mọi việc càng kéo dài thời gian, phát sinh nhiều chi phí dẫu biết rằng đây là việc hoàn toàn cần thiết để chung tay cùng Chính phủ và nhân dân cùng đẩy lùi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, với việc giá cước vận tải trong nước tăng do tác động từ thị trường thế giới cũng khiến chi phí logisic của đơn vị phân đạm tăng theo, trong đó có Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ (HoSE:
DPM). Tình trạng này cũng diễn ra tương tự như với các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp thiên về định hướng xuất khẩu như thủy sản, dệt may, nông sản… đang gánh chịu các chi phí đầu vào tăng mạnh.
Năm 2021, vụ Hè Thu tại các tỉnh vùng ĐBSCL đã cơ bản thu hoạch xong 1,5 triệu ha, năng suất bình quân đạt 5,67 tạ/ha và sản lượng toàn vùng đạt 8,5 triệu tấn lúa nhưng năm nay bà con nông dân không vui vì giá lúa thấp hơn trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tăng so với năm ngoái. Chỉ còn hơn một tháng nữa, tức giữa tháng 10/2021, ĐBSCL lại chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân trong mối lo e ngại giá phân bón tiếp tục tăng theo đà tăng của giá phân bón thế giới. Đây cũng là mối trăn trở của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành phân bón, bởi nếu giá phân bón tăng quá cao sẽ ảnh hưởng tới đầu ra của doanh nghiệp do giá vật tư đầu vào cao bà con nông dân sẽ có khuynh hướng giảm mức bón phân, tiết giảm chi phí đầu vào; chưa kể, nguy cơ tiềm ẩn có thể nảy sinh khi một số tổ chức, cá nhân tranh thủ lợi dụng cơ hội này sản xuất, cung cấp các hàng phân bón giả, kém chất lượng để tận dụng tâm lý của người nông dân thích các sản phẩm giá rẻ vô hình chung sẽ gây thiệt đơn, thiệt kép cho doanh nghiệp và người nông dân.