Mặc dù kết quả kinh doanh không có nhiều nổi bật nhưng giá cổ phiếu SBS của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (UPCOM: SBS) vẫn bứt phá khi cơn “mưa tiền” ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán đã khiến VN-Index liên tục phá đỉnh lịch sử (tăng gần 34% so với đầu năm 2021).
Ảnh minh họa.
Triển vọng của cổ phiếu ngành chứng khoán được dự báo tiếp tục tạo sóng trên thị trường bất chấp đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng duy trì ở mức thấp, làn sóng đầu tư chứng khoán ồ ạt từ các F0 khi có hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán mở mới trong 10 tháng đầu năm 2021, cao hơn tổng số tài khoản được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017-2020 cộng lại. Đây cũng chính là yếu tố đã giúp thị trường chứng khoán liên tục phá kỷ lục mới.
Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán Mirae Asset, trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của các CTCK khá thuận lợi và sẽ hoàn thành các mốc chỉ tiêu về tăng trưởng và lợi nhuận. Các CTCK xây dựng kịch bản tăng trưởng dựa trên mốc thanh khoản bình quân của thị trường là 15 ngàn tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, thanh khoản trong năm 2021 đã vượt xa mốc này khi bình quân trong quý 3/2021 là 21.565 tỷ đồng/phiên, tăng 44% so với dự kiến.
Tới tháng 11/2021, thanh khoản tiếp tục bứt phá và tạo nền mới cao kỷ lục. Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 11, giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn niêm yết đã đạt trên 37.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn 60% so với bình quân 10 tháng đầu năm 2021 và gấp 2,5 lần con số thanh khoản dự kiến của CTCK.
Ngành chứng khoán đang hưởng lợi lớn từ quy mô tăng trưởng của thị trường và cổ phiếu
SBS cũng không nằm ngoài xu hướng này mặc dù kết quả kinh doanh không có nhiều dấu ấn như các CTCK nằm trong top đầu.
Mảng môi giới là “nồi cơm chính” của SBS
Trong quý 3/2021 và 9 tháng đầu năm 2021, môi giới là mảng đóng góp chính cho kết quả kinh doanh của
SBS. Trong đó, doanh thu môi giới quý 3/2021 và 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt ghi nhận gần 53 tỷ đồng và 89 tỷ đồng, gấp 2,7 lần và 2,9 lần cùng kỳ năm 2020.
Sau 9 tháng kinh doanh, doanh thu hoạt động của công ty đã đạt gần hơn 153 tỷ đồng, gấp 2,65 lần cùng kỳ, nhờ mảng môi giới tăng trưởng mạnh giúp
SBS chuyển từ lỗ gần 4 tỷ đồng sang có lãi ròng hơn 5 tỷ đồng.
Năm 2021,
SBS đặt mục tiêu doanh thu thuần vào khoảng 100-120 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khoảng 6-8 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận này gấp hơn 5-7 lần so với thực hiện năm 2020.
Như vậy, so với kế hoạch năm 2021,
SBS đã thực hiện được 97% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm sau 9 tháng.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của
SBS vẫn là công tác tái cấu trúc hoạt động do tình trạng lỗ lũy kế tồn đọng từ năm 2012 trở về trước. Tới cuối quý 3, Chứng khoán
SBS vẫn còn gánh khoản lỗ lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng do từng có khoản lỗ “rúng động” hồi năm 2011. Đã gần 10 năm trôi qua nhưng
SBS vẫn chưa có giải pháp quyết liệt để xóa bỏ khoản lỗ này. Mặc dù đến năm 2021, kết quả kinh doanh của Công ty có sự tăng trưởng cùng đà tăng của thị trường, song, với mức lãi 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, việc xóa lỗ lũy kế vẫn còn là một câu chuyện dài hơi.
Giải đáp thắc mắc về việc Công ty còn lỗ lũy kế và chỉ tập trung vào môi giới thì làm sao cải thiện hoạt động kinh doanh? Ông Phan Quốc Huỳnh - Chủ tịch HĐQT
SBS từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 rằng: “Với công ty chứng khoán ngoài đồng vốn thì còn các giá trị về thương hiệu, hệ thống, công nghệ thông tin. Những năm qua, công ty vượt qua được nợ nần, kiện tụng thì không có lý do gì mà không tốt hơn. Công ty có nguồn khách hàng cả nội và ngoại, được khách hàng Nhật Bản và Đài Loan quan tâm”.
Cũng tại đại hội, ông Dương Mạnh Hùng - Tổng giám đốc
SBS - chia sẻ hoạt động môi giới của công ty cũng có lượng lớn từ khách hàng nước ngoài. Những đối tượng này quan tâm việc mở tài khoản đầu tư gián tiếp có thuận lợi hay không chứ không quan tâm tới chuyện lãi, lỗ của công ty.
Hồi cuối tháng 7/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank,
STB) cũng đã có thông báo về việc muốn thoái toàn bộ vốn khỏi
SBS nhằm thực hiện chiến lược cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả và gia tăng nguồn thu. Thực tế, nhiều năm qua, khi tập trung tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank rất hạn chế tài trợ cho lĩnh vực chứng khoán, điều này cũng cho thấy bức tranh lớn về sự hợp tác không hiệu quả giữa Sacombank và
SBS.
Đại diện Sacombank cho biết ngân hàng đã không còn là công ty mẹ của
SBS từ năm 2011 sau các đợt thoái vốn trước đó.
Mặt khác, dự định của Sacombank về việc thoái toàn bộ vốn tại
SBS cũng được kỳ vọng mở ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư khi góp phần mở rộng quy mô và gia tăng thanh khoản của cổ phiếu
SBS trên thị trường.
Kiểm định lại mốc hỗ trợ 20.700 đồng/cp
Sau 6 tháng tích lũy trong biên độ 12.000-15.000 đồng/cp, vào đầu tháng 11/2021, cổ phiếu
SBS có sự bùng nổ về thanh khoản, giá cổ phiếu vượt mốc 17.400 đồng/cp và chạm đỉnh 21.400 đồng/cp vào phiên 19/11/2021.
Diễn biến giá của ngày 24/11 và 25/11 cho thấy sự lưỡng lự trong giao dịch của nhà đầu tư, thể hiện ở cây nến rút chân và thanh khoản có sự sụt giảm so với bình quân 15 phiên trước đó. Những nhà đầu tư đã mua ở vùng giá tốt hiện đã chốt một phần lợi nhuận theo biến động của thị trường và một số nhà đầu tư khác cũng đã giải ngân khi diễn biến giá giảm dưới mức hỗ trợ 20.700 đồng/cp, đồng thời không thể phủ nhận rằng cầu tại cổ phiếu
SBS đã có sự suy giảm so với 2 tuần trước đó.
Đến phiên cuối tuần 26/11/2021, trước thông tin xấu về biến chủng COVID-19, thị trường chứng khoán giảm điểm khiến giá các cổ phiếu ngành chứng khoán đồng loạt giảm. Do đó, cổ phiếu
SBS đã có lúc chạm ngưỡng 20.000 đồng/cp và đóng cửa phiên tại mức giá 20.300 đồng/cp - tiệm cận mức giá đóng cửa của phiên 23/11/2021.
Tùy thuộc vào diễn biến giá thị trường và nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, cổ phiếu
SBS có thể sẽ kiểm định lại mốc hỗ trợ 20.700 đồng/cp và vùng 19.000-19.300 đồng/cp trước khi tăng trở lại theo sóng ngành chứng khoán. Thêm vào đó, yếu tố về tình hình tài chính doanh nghiệp, chiến lược và mô hình kinh doanh tương lai của
SBS cũng có vai trò rất lớn quyết định giá trị của cổ phiếu
SBS về lâu dài.