Với bối cảnh hiện nay, với sức hấp dẫn đang tăng lên của kênh đầu tư chứng khoán, chuyên gia cho rằng dòng tiền F0 vẫn sẽ tiếp tục gia nhập thị trường.
“Vừa mở bảng điện ra, danh mục đã đỏ với xanh lơ không hà” hay “ôi tài khoản bay 10% trong một nốt nhạc” là thảng thốt của nhà đầu tư khi tương tác ở một số nhóm diễn đàn, khi vừa mở cửa phiên giao dịch hôm qua (29/11). Họ cũng vừa trải qua hai ngày cuối tuần đầy lo lắng...
Nhưng cuối phiên, vẫn là những nhà đầu tư ấy đã thở phào nhẹ nhõm vì phần lớn cổ phiếu trong danh mục đã lấy lại cân bằng, thậm chí có mã bật tăng.
Diễn biến và xáo trộn tâm lý như trên có thể thấy ở trạng thái chung của nhiều nhà đầu tư chứng khoán ở phiên ngày hôm qua.
Biến chủng virus Omicron xuất hiện đã khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Tại thị trường Việt Nam, chỉ số đóng cửa với việc vuột khỏi mức đỉnh 1.500 mới chinh phục được.
Những ngày cuối tuần, nhiều nhà đầu tư trên nhiều diễn đàn về tài chính chứng khoán đã râm ran bàn tán về khả năng tác động của biến chủng mới, về xu hướng của dòng tiền F0, xu hướng thị trường… Quan sát cho thấy, nếu như phần lớn F0 tỏ ra hoang mang, lo lắng thì nhiều chuyên gia và nhà đầu tư Fn vẫn giữ quan điểm tích cực.
Kết thúc phiên hôm qua, VN-Index không giảm mạnh khi chỉ mất 8,19 điểm (-0,55%) xuống 1.484,84 điểm. Thanh khoản trên sàn TP.HCM vẫn duy trì ở mức cao, đạt hơn 33.000 tỷ đồng.
Như nhiều dự đoán, dòng tiền vẫn ở lại thị trường, đặc biệt là dòng tiền vào “gom” hàng khi nhiều cổ phiếu điều chỉnh, cùng với diễn biến tích cực ở một số mã vốn hóa dẫn đầu thị trường là lực đỡ cho VN-Index. Điều này cho thấy, thông tin biến chủng đã phần nào bão hòa, tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại.
Nhìn lại lịch sử giao dịch, bà Nguyễn Thị Phương Lam, giám đốc phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sau khi chinh phục mức 1.400 điểm vào cuối tháng 6, cú sốc “giãn cách xã hội” đã khiến chỉ số VN-Index đi ngang trong vùng 1.300 – 1.400 điểm trong khoảng 4 tháng liên tiếp sau đó.
Bà Lam phân tích, chỉ số chỉ bứt phá qua ngưỡng 1.400 điểm vào cuối tháng 10, nhờ dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân mới tiếp tục tự tin gia nhập thị trường, khi các biện pháp giãn cách tại TP.HCM được nới lỏng dần sau khi đạt yêu cầu về độ phủ vaccine tại thành phố. Cụ thể, trong tháng 10 ghi nhận 130.000 tài khoản mở mới, đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp mà tài khoản mở mới đạt trên 100.000 tài khoản/tháng.
Theo chuyên gia này, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng giá mạnh nhờ các thông tin tích cực như được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và các kế hoạch tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, mối lo nợ xấu tiềm ẩn tạm lùi lại phía sau khi các hoạt động kinh tế dần thông suốt trở lại… Với tỷ trọng lớn trong tổng vốn hóa thị trường, sự tăng giá đồng loạt ở nhóm ngân hàng đã lan tỏa sang một số nhóm cổ phiếu khác và giúp VN-Index bứt phá khỏi mốc 1.500 điểm chỉ sau 1 tháng chinh phục ngưỡng 1.400 điểm.
“Việc chỉ số liên tục chinh phục các mốc cao mới trong thời gian ngắn, với sự gia tăng mạnh về thanh khoản có thể phần nào khiến các nhà đầu tư thận trọng, về mặt tâm lý. Đặc biệt khi bất ngờ xuất hiện thông tin về biến chủng virus mới khiến các thị trường chứng khoán khu vực giảm mạnh”, Giám đốc phân tích VDSC đánh giá.
Theo bà Lam, việc VN-Index đã liên tục thiết lập các đỉnh cao mới chỉ trong vòng một tháng. Trong khi đó, thị trường đang đi đến những tuần giao dịch cuối năm, với nhiều nghi ngại về mức độ phục hồi sức khỏe nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Thông tin về biến chủng COVID mới, do đó, có thể là “cái cớ” để tác động tiêu cực lên thị trường, khiến chỉ số sẽ dùng dằng trong khoảng 1.420 – 1.500. Điểm tích cực là rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang dao động ở vùng giá hợp lý, và vì vậy, có thể sẽ trở thành động lực mới cho thị trường.
“Yếu tố vụ mùa, như là chi tiêu dịp cuối năm, nếu có, sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến dòng tiền F0. Bởi lẽ, dòng tiền F0 dịch chuyển vào kênh chứng khoán thường là chuyển từ kênh tiết kiệm. Với sức hấp dẫn đang tăng lên của kênh đầu tư chứng khoán, tôi cho rằng dòng tiền F0 vẫn sẽ tiếp tục gia nhập thị trường, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn còn rất thấp”, bà Lam nhận định.