Yuanta vừa hạ khuyến nghị từ mua xuống nắm giữ đối với cổ phiếu HDB. Giá mục tiêu đưa ra là 33.399 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất sinh lời khoảng 9% so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước.
Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ đối với HDB
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) đã nâng dự báo tăng trưởng cho vay năm 2022 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE:
HDB) thêm 2 điểm phần trăm (ppt), lên mức tăng 18% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong khi đó, Yuanta giảm dự báo biên lãi ròng (NIM) của
HDB xuống 12 điểm cơ bản, còn 4,68% trong năm 2022 (tăng 17 điểm cơ bản so với năm 2021) với lãi cho vay ở mức thấp hơn dự báo trước đó và tài sản sinh lời tăng.
Tiếp đó, Yuanta điều chỉnh tăng dự báo thu nhập lãi ròng năm 2022 thêm 2% so với dự báo trước, đạt 17.800 tỷ đồng, cao hơn 23% so với năm 2021; dự báo thu nhập phí ròng cũng tăng 22%, đạt 22.00 tỷ đồng vào năm 2022 (tăng 46% cùng kỳ).
Yuanta giả định, thương vụ bancassurance độc quyền mới của
HDB sẽ diễn ra vào đầu năm 2022, mang tới tiềm năng rất lớn giúp thúc đẩy khoản thu nhập phí của ngân hàng tăng cao trong năm.
Trong năm 2022, Yuanta dự báo chi phí hoạt động của
HDB giảm 9% còn 8.100 tỷ đồng (tăng 17% cùng kỳ) với kỳ vọng việc số hóa sẽ giúp ngân hàng cải thiện hiệu quả chi phí hoạt động.
Dự báo tỷ lệ CIR năm 2022 là 38%, giảm 2,4 điểm phần trăm so với năm 2021. Yuanta cũng tăng nhẹ dự báo trích lập dự phòng lên 1%, đạt 2.800 tỷ đồng vào năm 2022 (tăng 25% cùng kỳ) do nâng dự báo tăng trưởng cho vay.
Công ty chứng khoán này cho biết, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của
HDB tính đến cuối quý III đạt 81%, khá thấp khi xét đến tác động của Covid-19. Yuanta tin rằng ngân hàng sẽ tăng tỷ lệ này trong năm 2022.
Tương ứng, dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng điều chỉnh tăng 18%, lên mức 7.500 tỷ đồng vào năm 2022, cao hơn 31% so với dự phóng của năm 2021. So với một số công ty chứng khoán khác, dự báo lợi nhuận này của Yuanta cao hơn khoảng 11%.
Tuy nhiên, Yuanta hạ khuyến nghị từ mua xuống khả quan, nắm giữ đối với cổ phiếu
HDB. Theo Yuanta,
HDB đang giao dịch với P/B dự phóng 2022 là 1,5 lần, tương ứng với mức trung vị ngành.
Giá mục tiêu Yuanta đưa ra là 33.399 đồng/cổ phiếu, tương đương với P/B năm 2022 đạt 1,7 lần với tỷ suất sinh lời 12 tháng là khoảng 9%. Khuyến nghi này phù hợp với khuyến nghị trung lập đối với ngành ngân hàng trong năm 2022.
Công ty chứng khoán này cũng nhấn mạnh, trong ngắn hạn, tiềm năng thu phí trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền mới sẽ là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu
HDB trong năm 2022.
VCSC: Khuyến nghị khả quan dành cho SAB
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, Tổng công Ty Bia rượu Nước giải Khát Sài Gòn (HoSE:
SAB) được dự báo sẽ tận dụng được đà phục hồi của ngành bia nói chung.
Tuy nhiên nhìn chung, kênh bán mang về (off-premise) dù đã mở lại hoàn toàn kể từ cuối quý III/2021, song các cơ quan chức năng vẫn đang duy trì các hạn chế chặt chẽ đối với việc tiêu thụ rượu bia tại chỗ (on-premise) – không được mở đồng nhất ngay cả ở các khu vực được phân loại là “vùng xanh”, theo phân loại đánh giá kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ.
Ngoài ra, dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở những một số nơi như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục gây khó khăn cho ngành bia trong nước.
Ở góc độ lạc quan, VCSC kỳ vọng tiến độ tiêm chủng tích cực của Việt Nam sẽ hỗ trợ việc mở lại rộng rãi kênh bán hàng tại chỗ trong tương lai. Trong khi đó,
SAB đã tăng cường sự hiện diện của mình trong các chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu như Circle K và GS25, bên cạnh việc thành lập các gian hàng chính thức tại các trang thương mại điện tử hàng đầu như Tiki và Lazada.
Đồng thời, trong thời gian trở lại đây,
SAB cũng tích cực tung ra bao bì phiên bản giới hạn cho các thương hiệu chủ lực là Saigon Lager và Saigon Export, nhằm tiếp tục nhấn mạnh chiến lược xây dựng thương hiệu “Tự hào quốc gia” của công ty. Các chiến lược đẩy mạnh và kích thích các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh doanh số bán hàng của
SAB được VCSC đánh giá cao.
Cùng với sự ra mắt sản phẩm mới (Saigon Chill), VCSC dự báo sẽ có mức tăng trưởng trong doanh thu trong thời gian sắp tới của doanh nghiệp. Cụ thể, VCSC dự báo doanh số bán bia của
SAB sẽ vẫn tăng ở mức 10,6% và 10,8% trong các năm 2021 và 2024, so với 6,3% vào năm 2020.
Tuy nhiên, VCSC dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thuế (EBIT) sẽ tăng từ 14,2% vào năm 2021 (năm 2020 là 19,9%) lên 17,9% vào năm 2024, được hỗ trợ bởi lợi thế kinh tế về quy mô trong bối cảnh doanh thu dự kiến phục hồi, xu hướng cao cấp hóa sản phẩm, tăng giá bán, tích cực bảo hiểm rủi ro cho nguyên liệu và các sáng kiến tối ưu hóa cơ cấu chi phí (ví dụ hiệu quả sản xuất và chuyển đổi số).
VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS là 26% trong giai đoạn 2021-2024 nhờ vào nhu cầu phục hồi cùng các gián đoạn do dịch Covid-19 giảm dần và việc
SAB giành được thị phần nhờ các sản phẩm mới và hiệu quả hoạt động marketing được cải thiện.
Hiện VCSC khuyến nghị khả quan dành cho
SAB với giá mục tiêu 180.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tỷ số giá trên thu nhập (P/E) trong năm 2022 của
SAB ở mức 28 lần và được cho là phù hợp với mức trung bình 4 năm của các doanh nghiệp cùng ngành.
Yuanta: Khuyến nghị bán LCG tại giá mục tiêu 23.830 đồng/cổ phiếu
Lũy kế 9 tháng, Công ty Cổ phần Licogi 16 (HoSE:
LCG) ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 1.709 tỷ và 174 tỷ đồng, lần lượt giảm 27,4% và 11,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, doanh thu mảng xây dựng giảm mạnh 45% cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh; ngược lại mảng bất động sản tăng trưởng 246% cùng kỳ do ghi nhận chuyển nhượng dự án; biên lợi nhuận gộp trong kỳ tăng từ 14,6% lên 18,7%.
Nhiều dự báo cho rằng, chính sách đầu tư công của Chính phủ sẽ được thực thi mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2022 trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế sẽ là động lực để hỗ trợ mảng xây lắp của
LCG.
Năm 2021, dự báo doanh thu và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ của LGC đạt 2.617 tỷ và 231 tỷ đồng, giảm 26% và 25,7% cùng kỳ, trong đó mảng xây dựng ghi nhận doanh thu giảm 41%.
Năm 2022, ước tính doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ phục hồi lên mức 3.772 tỷ và 426 tỷ đồng, tăng mạnh 44,1% và 84,2% cùng kỳ. Động lực tăng trưởng tới từ doanh thu mảng xây dựng được kỳ vọng phục hồi mạnh, tăng 71,4% cùng kỳ lên mức 3.392 tỷ đồng, đến từ nhiều dự án như cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, nhà máy điện gió Chơ Long...
Trên thị trường, Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu
LCG khi mức stock rating đang ở 86 điểm. Trước đó, đồ thị giá của
LCG ghi nhận phiên đóng cửa tăng 6,2% và xác lập mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng 32% so với mức trung bình 20 phiên.
Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn có thể tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn với mức kháng cự ngắn hạn gần nhất là 23.830 đồng/cổ phiếu.
Ngày 26/11, Yuanta khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu
LCG với lợi nhuận tạm tính là 15,5%, cho nên công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chốt lời một phần tỷ trọng cổ phiếu ở mức giá mục tiêu 23.830 đồng/cổ phiếu.