Các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận nhằm bảo toàn thành quả từ đợt tăng điểm vừa qua và quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới trước khi giải ngân trở lại.
VN-Index vừa trải qua một tuần tăng điểm nhưng nếu nhìn tổng thể thì diễn biến trong tuần chủ yếu là giằng co trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.470 kể từ sau khi chỉ số ghi nhận nhịp điều chỉnh giảm mạnh gần 100 điểm từ đỉnh gần nhất là mức 1.500.
Cụ thể, VN-Index bứt phá mạnh ở phiên đầu tuần (13/12) khi tăng hơn 13 điểm. Ở các phiên sau đó, chỉ số chính hầu như không có biến động gì đáng kể.
Riêng trong phiên cuối tuần, có thời điểm VN-Index tăng gần 10 điểm. Nhưng sự rung lắc mạnh ở phiên ATC đã rút ngắn gần như toàn bộ những điểm tăng trước đó. Phân tích thêm về diễn biến của phiên này, ông Nguyễn Khôi, Chuyên gia VNDirect cho biết thanh khoản trong phiên 17/12 tăng cao là tín hiệu tích cực và việc chỉ số biến động mạnh trong phiên cơ cấu của các quý ETF là điều đã được dự báo trước.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 16,25 điểm (+1,1%) lên 1.479,79 điểm; HNX-Index tăng 5,45 điểm (+1,2%) lên 456,2 điểm. Thanh khoản trong tuần qua gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 31.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 20,3% lên 140.929 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 18,6% lên 4.778 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 5,9% lên 17.451 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 1,3% lên 631 triệu cổ phiếu.
Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng trưởng trong tuần qua. Cổ phiếu ngành tài chính và công nghiệp tăng mạnh nhất với 3,3% giá trị vốn hóa, nhờ sự khởi sắc của các cổ phiếu bất động sản như VHM (+4,4%), NVL (+1,9%), KDH (+5,4%), NLG (+15,9%), CEO (+39,1%), DIG (+32,8%)...; và các cổ phiếu thuộc ngành chứng khoán như HCM (+5,4%), VND (+1,3%), MBS (+1%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng với mức tăng 2,1% giá trị vốn hóa, nhờ mức tăng của các trụ cột như GAS (+2,5%), POW (+5,2%), NT2 (+6,1%)... Cổ phiếu nguyên vật liệu tăng 1,2%, nhờ sự hồi phục của các cổ phiếu thuộc nhóm thép như HPG (+0,4%), HSG (+4,6%), NKG (+5,3%), TLH (+2,7%)... Cổ phiếu hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin cùng mức tăng 1,1%, với các cổ phiếu trụ cột như MSN (+2,6%), FPT (+0,6%)... Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng giảm 1,5% giá trị vốn hóa đã tạo nên áp lực lên thị trường, với các mã tiêu biểu như VCB (-3,5%), TCB (-0,7%), VPB (-5,6%), MBB (-0,5%), ACB (-0,6%), SHB (-3,3%), TPB (-1,3%), OCB (-0,9%)...
SHS đánh giá rằng VN-Index có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên trong tuần qua là tương đối tốt và dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường để tìm kiếm cơ hội. Tuần qua cũng là tuần đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 12/2021 và là tuần cuối cùng để hai quỹ ETF tái cơ cấu danh mục nên diễn biến là tương đối giằng co và điều này có thể sẽ được cải thiện trong tuần tới.
Trên góc nhìn kỹ thuật, SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (20/12-24/12), chỉ số chính có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng tới ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải đã nâng tỷ trọng lên mức cao khi tham gia bắt đáy trong phiên 6/12 có thể canh những nhịp tăng điểm trong tuần tiếp theo hướng tới kháng cự tâm lý 1.500 điểm (nếu có) để chốt lời một phần danh mục.
Tương tự, VCBS cũng khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận nhằm bảo toàn thành quả từ đợt tăng điểm vừa qua và quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới trước khi giải ngân trở lại.
“Mặt khác, chúng tôi cũng nhìn nhận rằng một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập theo xu hướng tích lũy đi ngang hiện tại của chỉ số chung và ít có khả năng sẽ xuất hiện một nhịp giảm mới trong ngắn hạn. Theo đó, nhà đầu tư đã bắt đầu có thể cân nhắc giải ngân dần để tích lũy dần những mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng tích cực cho danh mục đầu tư trung – dài hạn cho năm 2022”, VCBS cho biết.
Trong khi đó, VDSC cho rằng VN-Index vẫn thể hiện động thái thận trọng tại vùng cản 1.480 – 1.490 điểm và khả năng vượt vùng cản này vẫn chưa được cải thiện, rủi ro dần suy yếu vẫn tiềm ẩn. Do vậy, nhà đầu tư nên thận trọng và hạn chế mua mới, đồng thời nên cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.