Có lẽ rất lâu rồi, lợi nhuận nói chung của các doanh nghiệp viễn thông mới giảm “sốc” như năm 2021 – giảm tới 22,8% so với năm 2020...
Dự thảo báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, kế hoạch giai đoạn 2022-2025 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, trong đó cho biết doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2021 ước đạt 130.768 tỷ đồng tăng 2% so với năm 2020.
Số lượng thuê bao di động năm 2021 ước đạt 123,76 triệu thuê bao trong đó có 92,88 triệu thuê bao là smartphone, chiếm khoảng 75%. Số lượng tên miền quốc gia “.vn” đạt 544.362 tên miền, tăng 5,2% so với cuối năm 2020, thuộc Top 11 châu Á-Thái Bình Dương và đứng thứ 45 toàn cầu. Tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình năm 2021 đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020.
Doanh thu tăng chút xíu nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông trong năm 2021 lại theo chiều hướng giảm “sốc”. Cụ thể, lợi nhuận của doanh nghiệp viễn thông năm 2021 chỉ đạt 42,76 nghìn tỷ, trong khi năm trước đó đạt 55,4 nghìn tỷ.
Báo cáo cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông cũng tập trung triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên phạm vi cả nước. Điều này cũng phần nào tác động đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông, theo đó lợi nhuận năm 2021giảm 22,8% so với năm 2020.
Ví dụ như tháng 8/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng kéo dài trong 3 tháng; tổ chức 6 đợt nhắn tin truyền thông vận động ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 (2,7 triệu tin nhắn ủng hộ Quỹ 120,9 tỷ đồng).
Hay việc triển khai các biện pháp nhắn tin tuyên truyền, áp dụng công nghệ để hỗ trợ truy vết, triển khai kết nối các camera giám sát các khu cách ly... nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Dự thảo báo cáo của Bộ cũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 đối với lĩnh vực viễn thông là việc thực hiện đấu giá băng tần để triển khai mạng di động 4G, 5G. Triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Viet Nam từ năm 2022. Xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý, giám sát hoạt động triển khai Mobile Money.
Tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến.
Đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng băng rộng cố định, tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định tới hộ gia đình; đảm bảo phổ cập việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng tốc độ cao tới các cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học...; đẩy mạnh xử lý triệt để tình trạng SIM kích hoạt không đúng quy định.