Những biến động mạnh của tỷ giá trong những ngày qua chỉ mang tính chất thời điểm, mùa vụ, xu hướng tỷ giá nhiều khả năng sẽ dần ổn định trở lại trong thời gian gần.
Sau một thời gian dài liên tục đi xuống, tỷ giá trung tâm đã bất ngờ tăng mạnh trong 3 ngày liên tiếp từ 6-8/12, kéo giá bán USD tại ngân hàng tăng mạnh mạnh từ 260-350 đồng/USD. Tuy nhiên, cuối phiên giao dịch ngày 8/12, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại quay đầu giảm giá.
Vì sao tỷ giá bất ngờ tăng vọt?
Ngày 8/12, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 23.237 đồng/USD, tăng tới 27 đồng mỗi USD so với ngày 7/12 và tăng 110 đồng so với cuối tuần trước. Như vậy, tiền đồng đã mất giá khoảng 1,1% chỉ trong vòng 1 tuần và 2% tính từ đầu năm, đảo ngược xu hướng mạnh lên của tiền đồng trong phần lớn thời gian của năm nay.
Tỷ giá USD tăng trong những ngày qua một phần xuất phát từ nhu cầu đột biến cuối năm.
Trên thị trường, giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã tăng 260-350 đồng so với tuần trước. Điển hình, Vietcombank niêm yết giá mua và bán USD ở mức 22.930-23.200 đồng, tăng khoảng 260 đồng so với cuối tuần trước.
Tương tự, BIDV cũng tăng 250 đồng, giao dịch quanh mức 22.950-23.190 đồng/USD. Vietinbank tăng 210 đồng, giao dịch từ 22.950-23.190 đồng/USD. Agribank niêm yết giá bán USD ở mức 23.220 đồng, tăng 350 đồng so với cuối tuần trước.
Theo đánh giá của giới ngân hàng, đây chỉ là hiện tượng tạm thời xuất phát từ nguồn cung USD không dồi dào do nhu cầu dồn mạnh tại một thời điểm.
Lãnh đạo một nhà băng suy đoán, tỷ giá bất ngờ tăng một phần xuất phát từ nhu cầu đột biến để thanh toán cho khoản đáo hạn của một vài tổ chức lớn. Hay là nhu cầu thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, tăng lên khá nhiều.
Trên thực tế, tỷ giá ổn định và đi xuống trong nhiều tháng gần đây khiến các nhà băng hạn chế duy trì trạng thái dương ngoại tệ và thực hiện các lệnh bán ra USD. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, đồng USD trên thế giới mạnh lên, tính đến cuối phiên giao dịch ngày 8/12 (theo giờ Việt Nam), chỉ số USD-Index đã đạt 96,00 điểm. Khi giá USD trên thị trường quốc tế quay đầu tăng, ngân hàng phải tăng mua vào khiến nhu cầu tăng mạnh trong thời gian ngắn. Biến động này cũng phần nào tạo áp lực lên tỷ giá.
Chia sẻ với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định diễn biến tăng mạnh của tỷ giá trong những phiên gần đây chủ yếu do ảnh hưởng của tính mùa vụ khi nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa gia tăng dịp cuối năm. Bên cạnh đó, mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế (trên 11 triệu đồng/lượng) cũng gây áp lực lên tỷ giá do hiện tượng gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng.
Biến động trong ngắn hạn
Dù vậy, hầu hết các chuyên gia nhận định tỷ giá tăng mạnh những ngày qua là hiện tượng tạm thời, xu hướng tỷ giá nhiều khả năng sẽ dần ổn định trở lại.
Thực tế, dù trong ngày 8/12, tỷ giá trung tâm vẫn tiếp tục tăng mạnh, nhưng tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước bất ngờ được điều chỉnh giảm so với phiên liền trước, ở mức 23.150 đồng, trong khi tỷ giá mua vẫn đang ở mức 22.650 VND/USD. Động thái này của nhà điều hành góp phần giải tỏa áp lực tỷ giá trong vài ngày qua, đưa cặp tỷ giá USD/VND dần hạ nhiệt về vùng giá 22.810-23.055 đồng.
Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 8/12, giá mua và bán USD tại Vietcombank đã về mức 22.810-23.080 đồng, giảm 120 đồng cả hai chiều so với phiên giao dịch trước đó. Còn Vietinbank niêm yết ở mức 22.737-23.055 đồng, giảm 213 đồng ở chiều mua vào và 140 đồng ở chiều bán ra.
Theo đánh giá của nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, đây chỉ là biến động trong ngắn hạn của VND và trên hết còn cho thấy đồng VND đã mang tính thị trường hơn.
“Hiện tại, nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam vẫn duy trì tích cực. Nguồn ngoại tệ đến từ cán cân thương mại thặng dư, dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối. Bên cạnh đó, dòng vốn gián tiếp thông qua các thương vụ M&A cũng duy trì khả quan, như trong tháng 11 ghi nhận dòng tiền trị giá khoảng 340 triệu USD từ việc SK Group Hàn Quốc thỏa thuận mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan,” nhóm phân tích của SSI đánh giá.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này cũng được chứng minh khi lượng kiều hối về TP.HCM trong 11 tháng qua ước đạt 6,2 tỷ USD, vượt con số cả năm 2020 là 6,1 tỷ USD. Trong khi đó, lượng kiều hối vẫn tiếp tục chuyển về, nên dự kiến cả năm 2021, TP.HCM sẽ thu hút được khoảng 6,5 - 6,6 tỷ USD kiều hối. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước, mà còn giúp ổn định nguồn ngoại tệ.
Trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tỷ giá linh hoạt, chủ động, theo sát diễn biến của thị trường nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ ổn định tỷ giá. Vì vậy, càng có thêm lý do để tin tưởng về sự ổn định trở lại của tỷ giá trong thời gian gần.