Năm 2021, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được dự báo sẽ hồi phục về giai đoạn bình thường trước dịch trong môi trường nới lỏng tiền tệ với kỳ vọng dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Ảnh minh họa
Năm 2020 là năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tập trên phạm vi toàn cầu.
Bước sang năm 2021, với kỳ vọng dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam và phân phối vaccine có thể diễn ra vào giữa năm 2021 qua đó chấm dứt dịch bệnh, nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được dự báo sẽ hồi phục về giai đoạn bình thường trước dịch trong môi trường nới lỏng tiền tệ. CTCK KBSV dự phóng EPS của các doanh nghiệp trên sàn HSX có thể tăng 20%.
Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận và tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên HSX
NHỮNG MỤC TIÊU THAM VỌNG
Bước sang năm 2021, nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng lạc quan trong các kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức cao.
Ban lãnh đạo Thế giới Di động (mã
MWG) đánh giá thị trường năm 2021 còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Dù vậy,
MWG vẫn đặt mục tiêu trở lại đà tăng trưởng hai chữ số với doanh thu thuần kế hoạch là 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.750 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,6% và 37,7% so với kế hoạch của năm 2020.
Chuỗi ĐMX Supermini đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào cuối năm 2021. Hoạt động kinh doanh bán lẻ thiết bị di động và điện máy vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính, kỳ vọng đóng góp khoảng 75% tổng doanh số của
MWG. Ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu dự kiến tiếp tục tăng trưởng và giúp BHX nâng tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu lên khoảng 25% với khoảng 2.500 cửa hàng vào cuối năm 2021.
Cùng mục tiêu tăng trưởng 2 con số, “ông lớn” ngành viễn thông
FPT (mã
FPT) cũng đã thông qua kế hoạch năm tài chính 2021 với mục tiêu doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.210 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,4% và 18% so với thực hiện trong năm 2020.
Một điểm đáng chú ý trong năm 2021 là kế hoạch thành lập công ty con
FPT Digital với mục tiêu cung cấp dịch vụ tư vấn lộ trình chuyển đổi số toàn diện giúp hoàn thiện chuỗi giá trị dịch vụ công nghệ thông tin và thúc đẩy mạnh mẽ mảng kinh doanh chiến lược.
Tương tự, Vicostone (mã
VCS) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 để trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt với doanh thu dự kiến 6.797 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.919 tỷ đồng, tương ứng tăng 20% và 15% so với kết quả thực hiện năm 2020.
Theo Vicostone, nhà máy Phenikaa Huế hiện đã đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Vicostone và Tập đoàn về nguyên liệu Cristobalite chất lượng cao thay thế phần lớn quartz tự nhiên, tương đương 80% sản lượng của Nhà máy; 20% sản lượng còn lại được bán ra ngoài tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sau một năm 2020 lao đao với khoản lỗ 2.848 tỷ đồng vì dịch bệnh và biến động giá dầu, Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã
BSR) đã mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 21% đạt 70.661 tỷ đồng và dự kiến có lãi trở lại với khoảng 864 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong 2021 có thể kể đến như Vietcombank (mã
VCB) với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2020. VietinBank (mã
CTG) đặt mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10 – 20%. Trong khi đó, MBBank (mã
MBB) đưa ra kế hoạch đầy tham vọng với lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 25-30% so với thực hiện năm 2020, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng.
KHÔNG ÍT DOANH NGHIỆP “CÀI SỐ LÙI”
Ở chiều ngược lại vẫn có những doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2021 trong đó Tập đoàn Công nghiệp Cao su (mã
GVR) dự báo tiếp tục là một năm khó khăn nhất là đối với hoạt động khai thác mủ cao su nên chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 4.600 tỷ đồng giảm 12% so với năm 2019.
“Đại gia” bất động sản khu công nghiệp phía nam là Sonadezi (mã
SNZ) cũng lên kế hoạch đi lùi với doanh thu hợp nhất khoảng 4.770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.011 tỷ đồng, tương ứng giảm 20% so với thực hiện 2020.
Trong khi đó, Cao su Phước Hoà (mã
PHR) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 là 750,8 tỷ đồng, giảm gần 33% so với số thực hiện năm trước. Năm 2020, dù doanh thu sụt giảm nhẹ trong xuống 1.633 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của
PHR vẫn tăng tới 130% lên 1.124 tỷ đồng nhờ nhận tiền đền bù đất khu công nghiệp.
Năm 2021, hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ (mã
DPM) và Đạm Cà Mau (mã
DCM) đều lên kế hoạch kinh doanh thận trọng với mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh so với kết quả ước tính năm 2020.
Theo đó, Đạm Phú Mỹ đề ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay là 437 tỷ đồng, giảm 46,5% so với thực hiện 2020. Khoản lãi lớn năm qua của Đạm Phú Mỹ chủ yếu đến từ tiền thu nhập khác hơn 528 tỷ đồng, trong đó có 442 tỷ đồng tiền bồi thường cho
DPM để tỉnh Cà Mau thu hồi lại phần đất này và tương ứng mục chi phí khác thanh lý 6,2 ha đất và 417 tỷ tiền thuế đất 50 năm và chậm nộp 6,2 ha đất Cà Mau.
Tương tự, Đạm Cà Mau cũng đạt ra mục tiêu lãi trước thuế 2021 giảm đến 71% so với thực hiện năm trước, xuống mức 210 tỷ đồng. Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp này đặt mục tiêu lợi nhuận thấp bất ngờ.
Đầu năm 2020, Đạm Cà Mau đã đưa ra mục tiêu lợi nhuận giảm đến 89% so với năm trước do không còn hưởng cơ chế giá khí đảm bảo lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 12% như các năm trước và bắt đầu chịu giá khí thị trường. Tuy nhiên sau đó doanh nghiệp này đã điều chỉnh lại kế hoạch vào cuối năm.
Phần lớn các doanh nghiệp “cài số lùi” lợi nhuận nêu trên đều có thói quen lên kế hoạch kinh doanh thấp do đánh giá thận trọng triển vọng của hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, không ít cái tên trong số đó lại thường xuyên vượt xa kế hoạch, thậm chí tăng trưởng cao nhờ các khoản thu nhập bất thường.