Cũng tại thời điểm này năm ngoái, cổ phiếu SHB khởi đầu một con sóng tăng giá đột biến.
Diễn biến giá cổ phiếu SHB một năm qua
Từ cuối tuần qua đến đầu tuần này, cổ phiếu
SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (sàn HNX) tạo những biến động đáng chú ý.
Cũng tại thời điểm này năm ngoái, cổ phiếu
SHB khởi đầu một con sóng tăng giá đột biến: từ hơn 6.000 đồng/cp liên tục nhảy vọt lên quanh 18.000 đồng/cp chỉ sau khoảng một tháng (đạt đỉnh vào tháng 4/2020).
Con sóng tăng gần gấp ba nói trên gần như đi ngược thị trường, ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và tạo những phiên suy giảm mạnh trên cả ba sàn hồi tháng 3/2020. Nhưng với
SHB, diễn biến trên gắn với câu chuyện riêng: ngân hàng này lần lượt thực hiện các đợt tăng vốn điều lệ liên tiếp, qua trả cổ tức hai năm 2017 và 2018, phát hành thêm cổ phiếu qua chào bán cho cổ đông hiện hữu…
Vùng giá quanh 18.000 đồng/cp nói trên cũng là vùng đỉnh kéo dài cho đến đầu năm nay, khi
SHB có một đợt tăng ngắn sau đó lên quanh 19.000 đồng/cp.
Kể từ sau đợt suy giảm mạnh về quanh 14.000 đồng/cp trước kỳ nghỉ Tết vừa qua, giá
SHB dần hồi phục và bắt đầu có biến động mạnh từ trong tuần qua đến đầu tuần này. Từ trong khoảng 15.600 - 16.000 đồng/cổ phiếu,
SHB liên tiếp có ba phiên lên giá mạnh, đạt cao nhất 18.400 đồng/cp trong phiên 15/3 trước khi chốt phiên lùi về 17.800 đồng/cổ phiếu.
Biến động lần này tại cổ phiếu
SHB được chú ý ở một số thông tin cơ bản.
Thứ nhất, ngân hàng này vừa công bố chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021 dự kiến tăng trưởng tới 70% so với năm 2020.
Thứ hai, dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho hai năm 2019 và 2020 với tỷ lệ 20,5% cũng vừa được công bố.
Những nền yếu tố trên không mới với nhà đầu tư.
Ở yếu tố thứ nhất, đầu năm nay một số công ty chứng khoán đã tìm hiểu
SHB cùng điểm nhấn kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 70% trong thông tin đưa ra thị trường, qua các báo cáo phân tích và cập nhật…
Ở yếu tố thứ hai, kế hoạch dự kiến trả cổ tức và tỷ lệ chi trả cũng đã được đại hội đồng cổ đông thường niên các năm thông qua, cũng như dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận tại kỳ họp tới đây. Mốc thời điểm thực hiện chi trả chưa xác định cụ thể.
Bên cạnh đó, có một thông tin khác được chú ý hơn. Ngày 10/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 284/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (
SHB).
Theo đó, Thống đốc đã chính thức chấp thuận sửa đổi với nội dung liên quan, ghi nhận mức vốn điều lệ hơn 17.510 tỷ đồng. Như vậy, phải sau gần một năm kể từ các đợt chào bán và trả cổ tức đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước mới chính thức có quyết định chấp thuận về việc sửa đổi giấy phép với vốn điều lệ nói trên cho
SHB.
Điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng đã hoàn tất các thủ tục cho các bước tăng vốn trước đó, mở ra hướng tiếp tục các kế hoạch mới và lộ trình tăng vốn mới, bao gồm hướng trả cổ tức cho năm 2019 và 2020.
Mức vốn điều lệ mới là một trong các cơ sở để
SHB đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay khả quan hơn. Mặt khác, với dự kiến tăng trưởng lợi nhuận tới 70%, ngân hàng này cho thấy khả năng đã để lại sau lưng gánh nặng gần chục năm sáp nhập Habubank, để bắt đầu có thể tăng tốc về lợi nhuận.
Trong nhiều trường hợp, giá cổ phiếu phản ánh và bám sát thay đổi tình hình hoạt động, triển vọng hoạt động của doanh nghiệp. Ở đây, giá cổ phiếu
SHB cũng đang có biến động song song với những thông tin về thay đổi tại ngân hàng.
Tuy nhiên, trong diễn biến giao dịch,
SHB là một cổ phiếu “vất vả”, bởi mỗi đợt tăng đều phải hấp thụ một lượng hàng cực lớn.
Nhìn lại con sóng cùng thời điểm này năm ngoái, giao dịch tại
SHB từng ghi nhận phiên phải hóa giải lượng hàng lên tới hơn 70 triệu đơn vị/phiên. Ngay ở thời điểm này, giao dịch tại đây cùng vừa ghi nhận những phiên bùng nổ khối lượng: phiên ngày 11/3 lên tới 58,1 triệu đơn vị, phiên 12/3 đạt 50,3 triệu đơn vị…
Với quy mô trên,
SHB thuộc nhóm có quy mô giao dịch lớn nhất trên thị trường ở những phiên bùng nổ. Những phiên đó thường gắn với đà tăng của giá cổ phiếu. Tuy nhiên, lực đẩy này trở nên “vất vả” khi đòi hỏi quy mô lên tới gần 1.000 tỷ đồng giá trị giao dịch mỗi phiên (phiên 11/3 đạt 987,88 tỷ đồng, phiên 12/3 là 883,28 tỷ đồng…).
Diễn biến mỗi cổ phiếu đều có thể thu hút những góc nhìn khác nhau. Diễn biến tại
SHB có thể tạo góc nhìn thanh khoản hấp dẫn hàng đầu thị trường; góc nhìn về khả năng thu hút nguồn tiền lớn; nhưng cũng có góc nhìn về mức độ trôi nổi (loãng) của nó đòi hỏi một lực đẩy “vất vả” trong mỗi sóng tăng…
Và nếu nhìn về mức độ “vất vả” đó, thì mối quan tâm tiếp theo lại là nguồn lực thúc đẩy có thể kéo dài bao lâu, những phiên quy mô gần nghìn tỷ đồng đã đủ để hấp thụ lượng hàng lỏng lẻo hay chưa? Và sau tất cả, liệu con sóng lịch sử tăng giá cùng thời điểm này năm ngoái tại
SHB có lặp lại?