• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,53 -3,56/-0,29%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,53   -3,56/-0,29%  |   HNX-INDEX   220,67   -1,01/-0,46%  |   UPCOM-INDEX   93,08   +0,24/+0,26%  |   VN30   1.309,72   -5,09/-0,39%  |   HNX30   459,01   -2,79/-0,60%
23 Tháng Giêng 2025 8:10:13 SA - Mở cửa
Giá phân bón tăng cao: Doanh nghiệp cần công khai thông tin
Nguồn tin: Vietnam+ | 17/03/2021 1:59:15 CH
Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối phân bón cần phải công khai, minh bạch thông tin nguồn hàng, lượng tồn hàng... để tránh tình trạng sốt giá, găm hàng và người dân yên tâm sản xuất.
 
 
Thời gian qua, giá phân bón liên tục tăng ở mức cao, cùng với đó là những khó khăn do dịch COVID-19 khiến cho nguồn cung ứng mặt hàng này thiếu hụt cục bộ ở một vài thời điểm và một số vùng.
 
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này và những tác động tới sản xuất nông nghiệp trong nước, phóng viên TTXVN đã có trao đổi nhanh với ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam.
 
- Thời gian qua, giá phân bón tăng rất mạnh, ông có thể cho biết nguyên nhân từ đâu?
 
Ông Phùng Hà: Trong khoảng cuối quý 4/2020 đến quý 1/2021 thì tất cả các loại giá phân bón đều tăng. Cụ thể, các loại phân bón DAP, NPK, urê đã tăng khoảng từ 40.000-100.000 đồng/bao (50 kg) so với cách đây khoảng 1 tháng.
 
Giá phân bón DAP Hàn Quốc ở mức khoảng 700.000 đồng/bao (trước đó chỉ khoảng hơn 600.000 đồng/bao).
 
Cách đây hơn 1 tháng, giá các loại phân bón urê sản xuất trong nước như urê Phú Mỹ, urê Cà Mau, urê Ninh Bình... và nhiều loại urê nhập khẩu giá chỉ ở mức 340.000-360.000 đồng/bao, cũng tăng lên ở mức từ 420.000-450.000 đồng/bao.
 
Còn các loại phân bón NPK như NPK Con Cò Pháp (20-20-15) có mức giá khoảng 680.000-700.000 đồng/bao, NPK Đầu Trâu (20-20-15) và NPK Đầu Trâu TE (20-20-15) có mức giá khoảng 630.000-640.000 đồng/bao.
 
NPK Việt Nhật (16-16-8) có giá 490.000-500.000 đồng/bao… Phân bón Kali ngoại nhập của Nga, Israel, Canada… có mức giá khoảng 400.000-440.000 đồng/bao.
 
Theo World Bank thì thời gian qua, giá nguyên liệu tăng rất nhiều như giá lưu huỳnh, amoniac... đều tăng mạnh dẫn đến giá phân bón bán ra tăng. Thứ hai là giá nông sản trên thế giới cũng đã liên tục tăng.
 
Thứ ba, do giá cước vận chuyển tăng nhanh, với nhiều ngành nghề chứ không chỉ với phân bón, do giá vận chuyển bằng container tăng.
 
Ngoài ra, Trung Quốc - quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới vừa qua bị thiếu hụt nguồn khí, dẫn tới nguồn cung sản xuất tại đất nước này thiếu hụt... Tất cả điều này dẫn tới giá các loại phân bón tăng chung khoảng hơn 20%, như DAP tăng 28%, urê gần 20%...

 
Vận chuyển đạm Phú Mỹ tại kho hàng của PVFCCo tại Cần Thơ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
 
- Giá phân bón tăng mạnh như vậy, theo đánh giá từ hiệp hội, điều này có ảnh hưởng thế nào tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân?
 
Ông Phùng Hà: Đương nhiên giá nguyên liệu đầu vào phân bón tăng sẽ dẫn tới giá thành sản xuất của người nông dân tăng.
 
Nhưng vấn đề này phải xét yếu tố 2 chiều. Khi giá phân bón tăng mà giá nông sản tăng thì là câu chuyện khác, vì vậy phải đánh giá cân đối giữa đầu vào đầu ra, chứ không có nghĩa là cứ giá đầu vào tăng là thiệt hại mạnh.
 
Hiện nay, mức giá đầu ra tại Việt Nam vẫn chưa đủ cơ sở để đánh giá nhưng trên thế giới, mức tăng giá phân bón so với giá nông sản bán ra đang ở mức bình thường.
 
- Với giá tăng như vậy, chúng ta có lo ngại về nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng phân bón cho sản xuất không, thưa ông?
 
Ông Phùng Hà: Thời gian qua, đúng là có những thời điểm thiếu nguồn cung phân bón, tuy nhiên chỉ xảy ra cục bộ tại một số thời điểm và tại một số vùng.
 
Lý do là giá tăng sẽ có sự đầu cơ, một phần do khó khăn trong vận chuyển. Nhiều nơi, nhiều chỗ phản ánh tình trạng thiếu phân bón DAP, urê để sử dụng hoặc để sản xuất NPK.
 
Về vấn đề này thì Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng có khuyến cáo doanh nghiệp nên tạm dừng xuất khẩu để tập trung phục vụ sản xuất trong nước.
 
- Để đảm bảo nguồn cung phân bón, tránh tình trạng sốt giá, ông có khuyến nghị gì, thưa ông?
 
Ông Phùng Hà: Để đảm bảo nguồn hàng, trước mắt các doanh nghiệp nên tạm dừng xuất khẩu đồng thời, tranh thủ đẩy mạnh sản xuất trong nước. Nếu thiếu mặt hàng phân bón nào thì có thể sử dụng mặt hàng tương tự để thay thế.
 
Để tránh tình trạng sốt giá, găm hàng... thì các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin nguồn hàng, lượng tồn hàng... để người dân biết, yên tâm sản xuất.
 
Khi doanh nghiệp trong nước sản xuất, tự chủ, chất lượng đảm bảo, giá thành cạnh tranh sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón.
 
- Xin cảm ơn ông./.