Giải pháp kỹ thuật cho tình trạng nghẽn lệnh là lắp đặt thêm phần cứng tại HoSE và sử dụng phần mềm giao dịch của HNX có điều chỉnh phù hợp.
Hệ thống mới trong gói thầu 04 kỳ vọng vận hành cuối năm nếu không có phát sinh lớn.
Triển khai hệ thống mới và một số bộ luật mới có hiệu lực sẽ đóng góp vào việc nâng hạng thị trường chứng khoán.
Sáng 30/3, tại Diễn đàn Phát triển Thị trường vốn: Cơ hội trong kỷ nguyên mới, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chia sẻ về tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Bà Bình cho biết nguyên nhân chính là hệ thống giao dịch HoSE không đáp ứng được số lệnh thực tế. Công suất không thể đáp ứng, do thiết kế được sử dụng cách đây 20 năm, chỉ nhận 900.000 lệnh/phiên. Khi gần đạt mức tối đa, hệ thống sẽ có biện pháp bảo vệ tránh bị dừng hoạt động, khiến lệnh vào chậm.
Cuối tháng 12, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCK phối hợp với đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát hệ thống, đưa ra phương án khả thi và áp dụng một số giải pháp hành chính như nâng lô từ 10 lên 100 và có công văn khuyên nghị công ty niêm yết chuyển niêm yết sang Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ là tạm thời, căn cơ xử lý triệt để sử dụng hệ thống của Hàn Quốc. UBCKNN kỳ vọng nếu không phát sinh lỗi phức tạp, cuối năm nay hệ thống mới sẽ được áp dụng vào thị trường.
Diễn đàn Phát triển thị trường vốn sáng 30/3. Ảnh: L.H.
Dù vậy, theo bà Bình mốc cuối năm vẫn là quãng đường dài. Bộ Tài chính phối hợp với FPT đang triển khai giải pháp về mặt kỹ thuật trước khi Gói thầu 04 về hệ thống của KRX được vận hành. Ngày 19/3, FPT đã hoàn thành xong khâu khảo sát, lên phương án cụ thể hỗ trợ mặt kỹ thuật.
Phương án đưa ra là lắp đặt thêm phần cứng tại HoSE và sử dụng phần mềm của HNX, tùy chỉnh phù hợp với HoSE. Điều này sẽ giảm thiểu các vấn đề tác động đến giao dịch trên thị trường. Thời gian thực hiện có thể trong 3-4 tháng.
Trước mắt, UBCKNN có công văn khuyến khích doanh nghiệp chuyển giao dịch tạm thời từ HoSE sang HNX, và trình xin cổ đông trong phiên họp thường niên, để hỗ trợ cơ quan quản lý. Việc chuyển này không ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp mà là biện pháp nắn dòng để sử dụng hạ tầng giao dịch, quy định pháp lý... Trong tương lai, việc niêm yết cũng sẽ không phân chia HNX hay HoSE, toàn bộ cổ phiếu sẽ được chuyển cho HoSE quản lý.
Tháo gỡ các vấn đề nâng hạng
Về vấn đề việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Bình đề cập trong số các tổ chức xếp hạng thị trường mà tiêu biểu là MSCI và FTSE Russel thì MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên, trong khi đó FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Theo bộ tiêu chí FTSE Russell (cập nhật tháng 9/2020), TTCK Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng. Xét theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam còn 7/17 tiêu chí cần phải cải thiện.
Từ 1/1/2021, hệ thống văn bản pháp luật mới về chứng khoán, đầu tư, doanh nghiệp đều cùng có hiệu lực, đồng thời hệ thống giao dịch mới và hệ thống thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác trung tâm (CCP) vận hành trên nền tảng công nghệ của Hàn Quốc dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2021, là cơ hội để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc đối với yêu cầu về thanh toán bù trừ hiện nay của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Việc MSCI đưa Kuwait lên thị trường mới nổi là một yếu tố tích cực đối với TTCK Việt Nam khi trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index. Các quỹ chuyên đầu tư vào khu vực cận biên (Frontier Markets) như Schroder ISF Frontier Markets Fund, Coeli Frontier Markets Fund, T.Rowe Price Frontier Markets Fund đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam. Vị thế của Việt Nam được đánh giá cao hơn sẽ là một nhân tố thuận lợi cho tiến trình nâng hạng thị trường.
Nhiều yếu tố cần xem xét để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: VOV.
Bên cạnh đó, việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, với các quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) sẽ được mở hơn nữa.
Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng đã cụ thể quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo hướng thống nhất với pháp luật đầu tư, bổ sung các quy định đặc thù về biện pháp kỹ thuật trong ứng xử với các tổ chức có trên 50% vốn điều lệ của NĐTNN trên TTCK, tạo điều kiện tiếp cận thông tin tốt hơn cho nhà đầu tư ngoại về vấn đề này.
Bên cạnh đó, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK gắn với phát triển bền vững, minh bạch.
Tuy vậy, theo Vụ trưởng Phát triển thị trường, UBCKNN, việc nâng hạng không phải là câu chuyện của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng. Khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin, quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS)... sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng.
Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác cần cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng thị trường như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp, cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp