Tỉnh nào cũng "đòi" làm sân bay sẽ gây sự lãng phí song nếu trong cấu trúc hạ tầng không có sân bay nhỏ thì lại khá bất hợp lý khi so với các quốc gia trên thế giới.
Góp ý vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, hầu hết các địa phương có đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay đều khẳng định tính hiệu quả của sân bay với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh mình cũng như cả nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề này phải cân nhắc, thận trọng, tránh theo phong trào khi đề xuất xây sân bay và cơ quan lập quy hoạch là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần xem xét, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả kinh tế.
Theo ý kiến của TS. Lương Hoài Nam, Việt Nam đang thiếu hệ thống sân bay nhỏ và cần mở ra về mặt quy hoạch và mô hình đầu tư các sân bay nhỏ theo hướng xã hội hoá.
8 ĐỊA PHƯƠNG ĐỀ XUẤT XÂY SÂN BAY
Được biết, ngay sau khi Bộ GTVT lấy góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, Bộ đã nhận được 8 đề xuất xây dựng sân bay không nằm trong quy hoạch mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra, gồm: Ninh Bình, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu và mới đây là Bình Phước, Bắc Giang, Hà Giang.
Tại dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 CHK, đến năm 2050 có 30 CHK.
Như vậy, so với hệ thống 22 CHK hiện nay, tới năm 2050, hệ thống CHK toàn quốc sẽ được bổ sung 8 CHK gồm: CHK quốc tế Long Thành, CHK quốc tế thứ 2 vùng thủ đô, các CHK Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị.
Liên quan đến dự thảo này, tại hội thảo “Góp ý quy hoạch tổng thể CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 3/3, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam Trần Quang Châu cho rằng, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì số sân bay dân dụng của Việt Nam chưa nhiều. Việc các tỉnh mong muốn có sân bay để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch địa phương là chính đáng.
Tuy nhiên, ông Châu cũng nhấn mạnh, việc xây mới cần tính toán dựa trên nhiều tiêu chí và phù hợp với tổng thể mạng lưới CHK toàn quốc chứ không chỉ dựa trên ý kiến các địa phương...
"Đề nghị phải xem xét các yếu tố tương tự khi lập quy hoạch sân bay hiện nay bởi nếu làm quy hoạch sai thì gây lãng phí vô cùng ", ông Trần Quang Châu nói.
Còn theo TS. Nguyễn Bách Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), phần lớn sân bay nội địa hiện nay chưa đạt công suất thiết kế, một số sân bay thường vắng khách trong giai đoạn đầu như Vân Đồn, Cần Thơ...
Do đó, hiệu quả đầu tư sân bay cần tính toán kỹ, như người dân Hà Tĩnh đến sân bay Vinh, Đồng Hới không quá xa, hay người dân ở Ninh Bình có thể đi các sân bay khác như Cát Bi (Hải Phòng) và Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong khoảng cách gần 100 km.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM thì chỉ ra rằng, các hãng hàng không “không dại” gì mở đường bay tới các sân bay ít khách.
“Nếu mỗi sân bay chỉ phục vụ 2-3 chuyến bay mỗi ngày thì không đủ chi phí để duy trì cơ sở hạ tầng, chưa nói đến có hiệu quả tài chính. Đây là lý do các địa phương phải cân nhắc khi mong muốn xây sân bay, và cơ quan lập quy hoạch là Bộ GTVT cần thận trọng trong xem xét bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch, tránh tình trạng chịu “sức ép” hay nể nang mà bổ sung quy hoạch. Nhất là trong bối cảnh rất nhiều sân bay nhỏ đang trong tình trạng thua lỗ nhiều năm nay”, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống nói.
VẮNG SÂN BAY NHỎ, QUY MÔ ĐỘI BAY NƯỚC TA SẼ TRỞ NÊN KỲ LẠ!
Trao đổi với BizLIVE, TS. Lương Hoài Nam, Chuyên gia hàng không lại chỉ ra rằng, hệ thống sân bay lớn quy hoạch như hiện nay là hợp lý nhưng vấn đề của hệ thống sân bay Việt Nam còn ở chỗ thiếu vắng sân bay nhỏ mà toàn là sân bay lớn cho máy bay từ A320 trở lên.
Hầu hết các sân bay nhỏ đã được nâng cấp thành sân bay lớn, thành ra bây giờ không còn mấy sân bay nhỏ cho máy bay nhỏ từ ATR-72 trở xuống bay nữa. Máy bay ATR-72 vì thế không còn mấy nơi để bay, giảm từ 14 chiếc trước đây giờ chỉ còn 5 chiếc.
Cấu trúc hạ tầng sân bay và đội máy bay như hiện nay là bất hợp lý khi so sánh với các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, nơi có khá nhiều sân bay nhỏ và máy bay nhỏ, TS. Nam nhấn mạnh.
Hình ảnh máy bay ATR-72 của Vietnam Airline
Phân tích về vấn đề này, TS. Nam cho rằng, với nhiều địa phương lân cận các thành phố lớn lượng hành khách chắc chắn không nhiều nhưng vẫn có nhu cầu. Vì vậy, cần mở ra về mặt quy hoạch và mô hình đầu tư các sân bay nhỏ theo hướng xã hội hoá vốn đầu tư.
Để tư nhân đầu tư một sân bay nhỏ với đường băng dưới 2.000m cho các loại máy bay từ ATR-72 trở xuống với số vốn không quá lớn sẽ phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bản thân đầu tư sân bay có thể không lãi, nhưng dự án bất động sản của chủ đầu tư đó có thể lãi lớn nhờ gắn với sân bay, nên về tổng thể đầu tư vẫn hiệu quả, ông Nam đề xuất.
"Ở nước ngoài có rất nhiều sân bay nhỏ do chính quyền địa phương hoặc tư nhân đầu tư. Nếu không, chỉ mấy năm nữa đội bay ATR-72 cũng sẽ biến mất vì hết sân bay nhỏ để bay. Khi đó Việt Nam sẽ có đội máy bay toàn phản lực từ A320 trở lên, một cấu trúc đội bay rất kỳ lạ so với khu vực và thế giới!", ông Nam nói.