Kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán trong dài hạn.
MASVN kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.000 đến 1.400 điểm, với mục tiêu trung bình là 1.200- 1.250 điểm.
MASVN kỳ vọng lạm phát sẽ vẫn được kiểm soát tốt dưới mức 4% theo định hướng của Chính phủ.
Theo báo cáo chiến lược tháng 3 của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, dự báo tăng trưởng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2021, sau khi giảm nhẹ 0,6% trong năm 2020 (số liệu ước tính). Tầm nhìn đến năm 2022, thị trường chung kỳ vọng EPS của VN-Index sẽ tăng khoảng 23%.
Triển vọng của các ngành thiết bị và phần cứng, phần mềm và dịch vụ, ngân hàng, dịch vụ tài chính, và vật liệu được kỳ vọng sẽ tiếp tục tốt, tiếp nối đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 đầy khó khăn. Trong khi đó, ngành dịch vụ tiêu dùng và vận tải được kỳ vọng sẽ tìm thấy “đáy” trong năm 2020 và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi vắc xin được tiêm phòng rộng rải và trạng thái “bình thường” được tái thiết. Dù được kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2021, mức EPS của các ngành này vẫn được dự báo thấp hơn mức trước dịch.
VN-Index có thể đạt mức cao nhất là 1.400 trong 12 tháng tới
Kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán trong dài hạn. Dựa trên dữ liệu thống kê quá khứ (trong vòng 10 năm trở lại đây), MASVN nhận thấy mức P/E phù hợp với thị trường dao động trong khoảng 14 đến 18 lần. Tương ứng, MASVN kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.000 đến 1.400 điểm, với mục tiêu trung bình là 1.200- 1.250 điểm. Lưu ý rằng, mức đỉnh lịch sử 1.200 điểm đang tạo ra áp lực tâm lý đối với nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Các động lực thúc đẩy thị trường khác gồm thanh khoản thị trường dồi dào nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân; Triển vọng được nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi; Các đổi mới nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường; Làn sóng niêm yết của các ngân hàng, cũng như chuyển đổi niêm yết sang sàn HoSE; Cuối cùng là thoái vốn nhà nước được thúc đẩy.
Sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán
So sánh tương quan với các thị trường trên thế giới và thị trường trong khu vực, thị trường Việt Nam đang được giao dịch ở mức P/E tương đối thấp mặc dù có mức ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) và tăng trưởng EPS cao hơn. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam và tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại khi thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
So sánh tương quan giữa thị trường vốn và thị trường nợ, MASVN nhận thấy đầu tư tiềm năng tăng giá của thị trường chứng khoán vẫn còn rất lớn. Khi lợi suất thị trường chứng khoán (EPS/VN-Index) và thị trường trái phiếu (lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm) cân bằng trong dài hạn. VN-Index sẽ tăng đáng kể bởi lợi suất trái phiếu đang trong xu hướng giảm.
MASVN đánh giá lợi suất trái phiếu sẽ tăng lên trong thời gian tới để phản ánh kỳ vọng lạm phát, tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao. Về kỳ vọng lạm phát, MASVN cho rằng kỳ vọng lạm phát sẽ tăng do khả năng tăng trưởng tín dụng cao, cùng với đó là sự hồi phục từ phía cầu hậu Covid-19. Ngoài ra, giá các loại hàng hóa và xăng dầu sẽ tăng trở lại cũng sẽ khiến lạm phát tăng. Lưu ý rằng, MASVN kỳ vọng lạm phát sẽ vẫn được kiểm soát tốt dưới mức 4% theo định hướng của Chính phủ.
Ngoài ra, EPS được kỳ vọng tăng trưởng 22% trong năm 2021 và 23% trong năm 2022, đây cũng là điểm tích cực hỗ trợ cho VN-Index.