Chốt phiên 16/4, giá dầu Brent, WTI đều giảm. Giá vàng ngày 16/4 tăng, chạm đỉnh 7 tuần nhờ USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm.
Giá dầu Brent tương lai giảm 17 cent, tương đương 0,3%, xuống 66,77 USD/thùng.
Giá dầu WTI tương lai giảm 33 cent, tương đương 0,5%, xuống 63,13 USD/thùng.
GDP Trung Quốc tăng trưởng 18,3% trong quý I so với cùng kỳ năm trước, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết ngày 16/4. Con số này thấp hơn kỳ vọng 19% từ giới phân tích tham gia khảo sát của Reuters.
Trước đó, Mỹ công bố doanh số bán lẻ tăng mạnh trong tháng 3 còn số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 10/4 giảm.
“Số liệu kinh tế tích cực, thúc đẩy bởi khoản hỗ trợ 1.400 USD từ chính quyền Tổng thống Joe Biden, là diễn biến có lợi đáng kể cho thị trường năng lượng”, theo Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC tuần này điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng lực cầu dầu toàn cầu năm 2021, lần lượt lên 5,7 triệu thùng/ngày và 5,95 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, tồn kho dầu thô tại Mỹ tuần trước giảm 5,9 triệu thùng, vượt xa dự báo giảm 2,9 triệu thùng từ giới phân tích. Tồn kho tại khu vực Bờ Đông thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, không phải mọi nền kinh tế đều đang phục hồi. Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ cao kỷ lục trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 16/4 cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba đang cận kề nước này.
Tại Mỹ, số giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 16/4 tăng, chạm đỉnh 7 tuần nhờ USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm.
Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 12,9 USD lên 1.776,5 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.783,55 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 25/2.
Giá vàng tương lai tăng 0,8% lên 1.780,2 USD/ounce.
Giá vàng giao ngay tại sàn New York ngày 16/4.
Giá bạc tăng 0,6% lên 26,01 USD/ounce.
Giá platinum tăng 0,8% lên 1.202,32 USD/ounce.