YSVN dự báo VN-Index có thể điều chỉnh và kiểm định vùng hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm trong tháng 5.
YSVN đánh giá dư địa tăng trưởng của nhóm cổ phiếu kim loại sẽ không còn nhiều.
Trong báo cáo thị trường chứng khoán tháng 5, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) vẫn đánh giá xu hướng trung hạn của thị trường chứng khoán ở mức tăng, nhưng rủi ro trung hạn có dấu hiệu tăng dần.
YSVN dự báo VN-Index có thể điều chỉnh và kiểm định vùng hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm trong tháng 5. Đồng thời, các nhà đầu tư trung hạn có thể xem xét bán một phần tỷ trọng cổ phiếu và nắm giữ phần còn lại cho đến khi VN-Index giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.150 điểm.
YSVN nhận định nhóm cổ phiếu kim loại và ngân hàng tiếp tục dẫn dắt xu hướng của thị trường. Trong đó, đơn vị này đánh giá dư địa tăng trưởng của nhóm cổ phiếu kim loại sẽ không còn nhiều.
Trong khi đó, tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 4 được YSVN đánh giá tích cực. Các lo ngại về vấn đề lạm phát trong giai đoạn đầu cũng đã dần được gỡ bỏ, tỷ giá cũng đã thu hẹp đà biến động và có chiều hướng giảm nhẹ trong tháng 4. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao với những triển vọng khả quan trong thời gian tới. Mặc dù hoạt động nhập khẩu có phần tăng trưởng tốt hơn xuất khẩu, khiến thặng dư cán cân thanh toán thấp hơn so với cùng kỳ nhưng nhập khẩu chủ yếu ở nhóm hàng tư liệu sản xuất, cũng là phục vụ phần lớn cho hoạt động sản xuất các sản phẩm xuất khẩu.
Hoạt động chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm, cho thấy sức cầu của người dân có đã hồi phục trở lại. Riêng hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có phần chững lại sau diễn biến tích cực trong tháng 3, có lẽ sẽ cần thêm thời gian và phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới.
Tình hình bùng phát dịch trở lại được đánh giá có thể tác động tiêu cực lên các yếu tố tăng trưởng trong tháng 5. Ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 Việt Nam bùng dịch lần 4, xuất hiện những ca lây nhiễm với chủng biến thể kép, lây lan nhanh hơn và có dấu hiệu giảm tác dụng của vaccine. Đợt bùng dịch này có thể sẽ có tác động tới hoạt động sản xuất và tiêu dùng lớn hơn so với đợt bùng dịch lần 3 (Hải Dương, Quảng Ninh), khi nhiều tỉnh thành đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và ngưng hoạt động tụ tập đông người, khả năng thời gian giãn cách sẽ kéo dài hơn lần bùng dịch thứ 3. Tuy nhiên, YSVN kỳ vọng vào kinh nghiệm xử lý dịch bệnh của Việt Nam cho nên tình hình có thể sẽ sớm được kiểm soát.