Nhiều doanh nghiệp có giá cổ phiếu bứt phá bất chấp việc kết quả kinh doanh sa sút thuộc nhóm thanh khoản thấp.
Cổ phiếu EIB và TTS có kết quả kinh doanh giảm nhưng cổ phiếu tăng trong bối cảnh dòng thép và ngân hàng đồng loạt bứt phá trong thời gian gần đây.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 gần như đã kết thúc. Tính đến ngày 11/5, tổng lợi nhuận sau thuế của 970 doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán công bố BCTC quý I trên đạt hơn 96.800 tỷ đồng, tăng 88,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 165 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, 277 doanh nghiệp có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu thường phản ánh 'sức khỏe' của chính doanh nghiệp đó. Thông thường, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt sẽ tạo động lực giúp cổ phiếu đi lên và ngược lại. Tuy nhiên, nghịch lý vẫn tồn tại khi nhiều doanh nghiệp kết quả kinh doanh đi xuống nhưng giá cổ phiếu lại bứt phá.
Theo như kết quả kinh doanh đã được công bố, toàn thị trường chứng khoán có 173 doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế quý I giảm trên 50% so với năm trước nhưng giá cổ phiếu tăng kể từ thời điểm cuối tháng 3 đến phiên 11/5.
Các cổ phiếu giao dịch tích cực dù kết quả kinh doanh đi xuống trong quý I.
Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (UPCoM: NCP) báo lợi nhuận quý I lỗ đến 70,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 925 triệu đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp này. Dù vậy số lỗ trên cũng thấp hơn đáng kể so với mức lỗ 464 tỷ đồng của quý IV/2020. Tổng lỗ lũy kế đến 30/3/2021 của Nhiệt điện Cẩm Phả ở mức 1.727 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 242 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu gần 1.970 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh "bết bát" nhưng tính từ thời điểm cuối tháng 3 đến 11/5, giá cổ phiếu NCP lại có diễn biến tích cực khi tăng từ chỉ 5.900 đồng/cp lên thành 7.500 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu này thường xuyên không có thanh khoản.
Năm 2021, Nhiệt điện Cẩm Phả đặt kế hoạch lãi 8,9 tỷ đồng trong khi năm 2020 lỗ đến 584 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu NCP từ cuối tháng 3 đến 11/5. Nguồn: FireAnt.
Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (UPCoM: PVH) cũng có quý lỗ thứ 4 liên tiếp với hơn 2 tỷ đồng, trong khi ở quý I/2020, công ty này lãi nhẹ 220 triệu đồng. Kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ nhưng giá cổ phiếu PVH thời gian qua lại tăng 55,6% từ 900 đồng/cp lên thành 1.400 đồng/cp. Cổ phiếu PVH hiện vẫn nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm 2020. Trước đó, công ty này còn chậm CBTT đối với BCTC bán niên năm 2020 đã được soát xét và không có biện pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp chuyển lãi quý I/2020 thành lỗ quý I/2021 nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh trong gần 1,5 tháng qua như Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: SJF), Đá Spilít (HNX: SPI), Thủy sản Bạc Liêu (HNX: BLF)...
Trong khi đó, cổ phiếu vốn hóa lớn là EIB của Eximbank (HoSE: EIB) cũng tăng giá gần 28% từ 31/3 đến 11/5 bất chấp kết quả kinh doanh quý I đi xuống. Lợi nhuận sau thuế quý I chỉ đạt hơn 172 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng kém khả quan hơn so với cùng kỳ khi ghi nhận thu nhập lãi thuần sụt giảm 4,5% xuống còn 817 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán cũng giảm 22,5% xuống 22,6 tỷ đồng. Quý I năm nay ngân hàng phải trích lập 318 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập 35 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2021, tổng nợ xấu của Eximbank là 2.767 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 2,52% lên 2,64%.Diễn biến giá cổ phiếu EIB từ cuối tháng 3 đến 11/5.
Nguồn: FireAnt.
EIB bứt phá trong bối cảnh biến động giá cổ phiếu ngân hàng là rất tích cực. Cổ phiếu VPB của VPBank (HoSE: VPB) tăng 41% sau khi kết thúc quý I. KLB của Kien Long Bank (UPCoM: KLB) tăng 31%, VIB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) tăng 27%...
Cổ phiếu ngành thép là TTS của Cán thép Thái Trung (UPCoM: TTS) tăng đến hơn 157% từ 6.000 đồng/cp lên 15.441 đồng/cp. Việc cổ phiếu TTS tăng giá mạnh thời gian qua trước bối cảnh nhóm cổ phiếu ngành thép trên thị trường chứng khoán "bùng nổ" trước kết quả kinh doanh tích cực cũng như triển vọng "tươi sáng" nhờ vào việc giá thép liên tục bứt phá. HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG) cùng thời điểm tăng 32,5%, HSG của Hoa Sen (HoSE: HSG) tăng 33%, NKG của Thép Nam Kim (HoSE: NKG) tăng 32%...
Tuy nhiên, trái ngược với kết quả kinh doanh tích cực của các cổ phiếu cùng ngành thép, lợi nhuận quý I của Cán thép Thái Trung lại đi xuống với chỉ 382 triệu đồng, giảm 94% so với mức lãi sau thuế 6,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Diễn biến giá cổ phiếu TTS từ cuối tháng 3 đến 11/5. Nguồn: FireAnt.