15h00
Biến động mạnh tiếp tục xảy ra vào cuối phiên. Tuy nhiên, khác với phiên trước diễn biến này lại đi theo chiều hướng tiêu cực. Hàng loạt cổ phiếu lớn giảm sâu đã nới rộng đà giảm của VN-Index. Trong đó, VIC giảm đến 2,5% xuống 57.700 đồng/cp, TCB giảm 2,5% xuống 126.500 đồng/cp, GVR giảm 1,9% xuống 26.500 đồng/cp, HPG giảm 1,9% xuống 61.500 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,1 điểm (-0,56%) xuống 1.261,99 điểm. Toàn sàn có 163 mã tăng, 254 mã giảm và 43 mã đứng giá. Trong khi đó, với viêc SHB tăng trần lên 26.000 đồng/cp, nên HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 4,7 điểm (1,66%) lên 287,03 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 116 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,37%) xuống 81,17 điểm.
Thanh khoản thị trường nhỉnh hơn phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt 890 triệu cổ phiếu, trị giá 25.200 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh ở mức gần 23.600 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đến hơn 1.100 tỷ đồng trên HoSE. CTG, HPG, NVL... là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
13h20
Ngay sau giờ nghỉ trưa, giao dịch trên thị trường biến động theo chiều hướng xấu hơn khi nhiều cổ phiếu lớn giảm sâu như HVN, BVH, VIC, BCM, VNM... và điều này đẩy VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu. HVN đang giảm 2,5%, BVH giảm 2,1%, VIC giảm 1,8%.
11h30
Về cuối phiên sáng, bên cạnh nhóm chứng khoán, các cổ phiếu ngân hàng như LPB, SHB, CTG, STB, HDB, ACB, VPB, BID, MBB... đồng loạt tăng giá và góp phần giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu LPB tăng đến 5% lên 23.300 đồng/cp, SHB tăng 4,6% lên 24.800 đồng/cp và đây cũng là nhân tố chính giúp củng cố vững sắc xanh của HNX-Index. Bên cạnh đó, CTG tăng 3,7%, HDB tăng 2,3%, ACB tăng 1,9%...
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 3,71 điểm (0,29%) lên 1.272,8 điểm. Toàn sàn có 196 mã tăng, 200 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,07 điểm (1,09%) lên 285,4 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 99 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,17%) xuống 81,33 điểm.
Thanh khoản thị trương cao hơn phiên sáng hôm qua với tổng khối lượng giao dịch đạt 524 triệu cổ phiếu, trị giá 14.600 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 13.600 tỷ đồng, riêng sàn HoSE là 11.700 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 600 tỷ đồng trên HoSE trong đó bán mạnh CTG với khoảng hơn 300 tỷ đồng. HPG hay VIC cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: Fialda.
11h03
Các cổ phiếu ngành chứng khoán đua nhau tăng giá mạnh, trong đó, SSI tăng 2,7% lên 35.750 đồng/cp, HCM tăng 4,7% lên 35.400 đồng/cp, PHS được kéo lên mức giá trần 12.400 đồng/cp, FTS tăng 3,4% lên 21.400 đồng/cp.
Tuy nhiên, áp lực trên thị trường vẫn còn khá lớn, các cổ phiếu như VIC, HVN, BVH, BID, VNM... đồng loạt giảm nên VN-Index tiếp tục lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
9h50
SHB tăng 3,8% lên 24.600 đồng/cp, còn THD tăng 0,1% lên 189.900 đồng/cp. MSCI mới đây đã thông báo cáo cơ cấu danh mục định kỳ quý II/2021 với rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index. Theo đó, MSCI đã thêm mới 2 cổ phiếu Việt Nam là SHB và THD (ThaiHoldings) vào rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index trong kỳ review này.
9h45
Ngay từ đầu phiên giao dịch, áp lực bán đã dâng cao ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn HoSE và điều này đẩy VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, tương tự như các phiên trước lực cầu nhanh chóng tăng mạnh ở một số mã lớn nên xảy ra tình trạng phân hóa tại nhóm này. VN-Index vì vậy cũng bị đẩy vào trạng thái giằng co trong biên độ hẹp.
Các mã như NVL, GVR, PVD, HDB, PLX, PNJ... đồng loạt tăng giá và góp phần nâng đỡ cho VN-Index. Tuy nhiên, sắc đỏ cũng đã bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu lớn khác gồm BVH, CTD, BCM, VIC, VNM, FPT... chính điều này đang khiến VN-Index giao dịch trong sắc đỏ.
Hiện tại, VN-Index giảm 2,98 điểm (-0,23%) xuống 1.266,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 143 triệu cổ phiếu, trị giá 4.081 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index giữ được đà tăng với 2,41 điểm (0,85%) lên 284,74 điểm nhờ lực đỡ của các mã như SHB, PAN, PVS... Hiện SHB đang tăng 3,4% lên 24.500 đồng/cp, PVS tăng 1,4% lên 22.500 đồng/cp, PAN tăng 5,2% lên 26.100 đồng/cp.
UPCoM-Index cũng tăng nhẹ 0,13 điểm (0,16%) lên 81,6 điểm. Các mã như DRG, BSR, VGI hay OIL đang tác động tích cực giúp chỉ số này giữ sắc xanh.
Thị trường bất ngờ giao dịch hưng phấn vào cuối phiên 12/5 trước sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trụ cột đặc biệt là nhóm ngân hàng. Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tiêu cực hơn khi đẩy mạnh bán ròng hơn 600 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này tập trung bán mạnh các mã như HPG, NVL, VJC...
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), với dòng tiền nội ổn định, VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1.280 điểm trong các phiên giao dịch tới.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường sẽ tiếp tục hành trình dần hướng đến vùng 1.300 điểm trong thời gian tới.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 12/5, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm. Dow Jones giảm 681,5 điểm, tương đương 1,99%, xuống 33.587,66 điểm. S&P 500 giảm 89,06 điểm, tương đương 2,14%, xuống 4.063,04 điểm. Nasdaq giảm 357,75 điểm, tương đương 2,67%, xuống 13.031,68 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương giảm trong phiên 12/5. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,73%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 1,61% còn Topix giảm 1,47%. Thị trường Trung Quốc đi lên về cuối phiên với Shanghai Composite tăng 0,61% còn Shenzhen Component tăng 0,7%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,67%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,49%. ASX 200 của Australia giảm 0,73%.
Khối lượng giao dịch phái sinh tại thị trường chứng khoán Đài Loan hôm 12/5 bùng nổ khi chỉ số Taiex mất mốc 16.000 điểm vào khoảng 10h40. Hơn 1,6 triệu hợp đồng được giao dịch trong bối cảnh hàng chục hợp đồng quyền chọn ngắn hạn đáo hạn ngày 12/5. Giá hợp đồng tương lai đặt cược Taiex giảm có lúc tăng 7,757%.
Khi đà giảm trên thị trường gia tăng, nhiều nhà đầu tư cá nhân sử dụng đòn bẩy nợ bị vi phạm tỷ lệ vay ký quỹ (margin call) dẫn đến tình trạng buộc phải bán cổ phiếu trong danh mục (forced sell), càng khiến tình hình thêm tồi tệ. Nợ ký quỹ trên thị trường chứng khoán Đài Loan tăng lên 260 tỷ TWD vào cuối tháng 4, cao nhất kể từ năm 2011 và cao gần gấp đôi so với 6 tháng trước đó.
Chốt phiên 12/5, giá dầu Brent, WTI đều tăng. Giá dầu Brent tương lai tăng 77 cent, tương đương 1,1%, lên 69,32 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 11/3. Giá dầu WTI tương lai tăng 80 cent, tương đương 1,2%, lên 66,08 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 5/3.