BSR, Petrolimex, PV OIL, PV Power, PVS, PVTrans đồng loạt lãi lớn trong khi PV Gas tăng trưởng âm, thậm chí PV Drilling và PV Coating còn báo lỗ.
Ảnh minh họa.
Sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại trong những tháng đầu năm 2021 đã giúp giá dầu tiếp tục duy trì xu hướng tăng từ cuối năm ngoái. Theo đó, giá dầu Brent đã tăng từ mức 49,86 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 65,63 USD/thùng bình quân tháng 3/2021.
Về cơ bản, các doanh nghiệp dầu khí được đánh giá sẽ hưởng lợi khi giá dầu tăng và duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, mức độ tác động đối với từng doanh nghiệp là khác nhau và điều này dẫn đến sự phân hóa rõ rệt về lợi nhuận quý 1/2021 của các doanh nghiệp dầu khí.
Cùng được đánh giá có độ nhạy với giá dầu ở mức cao, PV
GAS (mã
GAS) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã
BSR) lại tăng trưởng ngược chiều trong bối cảnh giá dầu diễn biến tương đối khả quan từ đầu năm 2021.
“Đại gia” ngành khí PV
GAS bất ngờ tăng trưởng âm trong quý 1/2021 với lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ lại sụt giảm 13% so với cùng kỳ, xuống 2.030 tỷ đồng. Tổng công ty cho biết, giá dầu bình quân quý 1/2021 đạt 61,12 USD/thùng tăng 22% so với mức 50,10 USD/thùng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản lượng khí khô tiêu thụ quý 1 năm nay giảm 354 triệu m3 (tương đương giảm 16%) so cùng kỳ làm doanh thu, lợi nhuận giảm tương ứng.
Ngược lại, Lọc Hóa dầu Bình Sơn lại ghi nhận kết quả ấn tượng trong quý 1/2021 nhờ giá dầu tăng mạnh đồng thời khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính trong quý này tốt hơn cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.856 tỷ đồng, khả quan hơn rất nhiều so với khoản lỗ 2.330 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, bộ đôi bán lẻ xăng dầu Petrolimex (mã
PLX) và PV
OIL (mã
OIL) cùng phục hồi tích cực nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quý 1/2021 đã kích thích nhu cầu nhiên liệu. Bên cạnh đó, giá dầu liên tục tăng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ giúp các doanh nghiệp này giảm trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Quý 1/2021, Petrolimex lãi ròng 736 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 661 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ lên đến 1.893 tỷ đồng. Tương tự, PV
OIL cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 142 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 423 tỷ đồng.
Doanh nghiệp điện khí PV Power (mã
POW) cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan trong quý 1/2021 với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt hơn 508 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ. Nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do ghi nhận sản lượng điện các nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1 giảm, còn nhà máy Vũng Áng 2 tăng so cùng kỳ. Đồng thời, doanh thu tài chính công ty mẹ tăng mạnh (360 tỷ đồng) nhờ khoản lãi từ thoái vốn khỏi PV Machino.
Nhờ lãi của các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô ( FSO , FPSO) cao hơn cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ PTSC (mã
PVS) tăng gần 31% so với cùng kỳ, đạt 145 tỷ đồng. Trong khi đó, PVTrans (mã
PVT) thậm chí còn báo lãi gấp đôi quý 1/2020, đạt 136 tỷ đồng nhờ các hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Ở chiều ngược lại, PV Drilling (mã
PVD) lại bất ngờ lỗ lớn 104 tỷ đồng trong quý 1/2021 sau 2 năm kể từ quý 1/2019. Công ty cho biết trong kỳ bị giảm hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu xuống mức 52% quý 1/2021 trong khi con số này cùng kỳ là 100% với 4 giàn đều hoạt động. Đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng cũng giảm 9%.
Cùng chung cảnh ngộ, PV Coating (mã
PVB) cũng lỗ ròng hơn 10 tỷ đồng quý 1/2021 trong khi cùng kỳ lãi gần 49 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp của PV Coating và doanh nghiệp bọc ống dầu khí này cũng dự tính lỗ 12 tỷ đồng cho cả năm 2021.
TIÊU THỤ DẦU SẼ PHỤC HỒI VỀ MỨC TRƯỚC DỊCH TRONG NĂM 2021
Trong báo cáo triển vọng ngành mới đây, CTCK BSC đánh giá khả quan đối với nhóm dầu khí nhờ nhu cầu tiều thụ dầu thế giới tiếp tục được cải thiện. Kết thúc quý 1/2021, tổng tiêu thụ dầu thế giới đã hồi phục lên mức 96 triệu thùng/ngày, thấp hơn 5% so với mức trước dịch.
Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng dần trong năm 2021 và chạm ngưỡng trước đại dịch vào cuối năm nhờ dịch bệnh được kiểm soát và triển vọng kinh tế khởi sắc.
Bên cạnh đó, nguồn cung dầu thế giới tiếp tục thắt chặt do nhóm OPEC tăng chậm sản lượng và hoạt động khai thác dầu Mỹ phục hồi chậm.
Cuộc họp tháng 4/2021 của nhóm OPEC đã thông qua quyết định nâng dần mức sản lượng trong quý 2/2021 chậm hơn so với với kế hoạch trước đó. Trong khi đó, đến tháng 03/2021, tổng sản lượng khai thác của Mỹ chỉ đạt 11 triệu thùng/ngày, thấp hơn 14% so với mức trước dịch, và được dự báo sẽ hầu như không đổi trong năm 2021 do các giàn khoan mới khởi động chậm, chỉ đủ bù đắp sản lượng của các giàn khoan cũ ngừng vận hành.
Đối với giá dầu thế giới, sau 4 tháng tăng liên tiếp, giá dầu Brent đã điều chỉnh và có xu hướng đi ngang quanh ngưỡng 65 USD/ thùng từ tháng 3/2021. Dựa trên giá trị dự báo trung bình của các tổ chức và định chế lớn trên thế giới, BSC đánh giá mức giá dầu phù hợp để làm kịch bản cơ sở cho dự phóng năm 2021 là 57 USD/thùng.