Dù liên tiếp “đồng hành” cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép thể hiện phong độ nổi bật trên thị trường chứng khoán với thanh khoản ở mức cao, nhưng có ý kiến cho rằng vẫn có "nút thắt" khiến nhóm cổ phiếu chứng khoán chưa thể tạo nên "kỳ tích".
Sau chuỗi tăng mạnh vào cuối năm 2020, cổ phiếu ngành chứng khoán “khựng” lại một chút vào đầu năm 2021. Nhưng trong thời gian gần đây, nhóm này cũng đang trở thành tâm điểm của thị trường khi liên tiếp tăng giá.
Đà tăng tích cực của nhóm chứng khoán đến từ kỳ vọng khối công ty chứng khoán tiếp tục có một quý báo lãi lớn. Bởi, hoạt động kinh doanh của khối công ty chứng khoán gắn liền với diễn biến thị trường.
Thị trường là “bà đỡ”
Một công ty chứng khoán sẽ có 3 nguồn thu nhập chính: phí giao dịch, thu nhập từ lãi cho vay margin và hoạt động tự doanh. Ngoài ra, còn có những nguồn thu nhập khác như tư vấn M&A, niêm yết, chuyển sàn…, nhưng đều không đáng kể. Những nguồn thu nhập phụ này thông thường cũng sẽ được sử dụng trở lại cho hoạt động tự doanh.
Margin vẫn là một "nút thắt" khiến các doanh nghiệp chứng khoán chưa đạt được trần hưởng lợi.
Và yếu tố tác động lớn nhất đến 3 nguồn thu nhập chính không phải điều gì xa lạ, mà chính là diễn biến của thị trường. Nếu thị trường duy trì được thanh khoản và đà tăng tốt, cả 3 nguồn thu nhập này sẽ tăng.
Đó là lý do trong cuộc họp ĐHĐCĐ gần đây, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán
SSI đã thông báo kế hoạch lợi nhuận lên đến 1.800 tỷ trước thuế trong năm 2021 của công ty. Con số này thực ra vẫn ở mức khá thận trọng, vì nếu thị trường duy trì thuận lợi thì lợi nhuận sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
So với thời điểm chỉ số Vn-Index lập đỉnh vào năm 2018, thanh khoản của thị trường hiện đã tăng gấp 3 lần và đương nhiên các công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi.
Theo một thống kê của Công ty chứng khoán MB (
MBS), thanh khoản bình quân toàn thị trường trên cả 3 sàn trong tháng 4 đã đạt 22.000 tỷ đồng và tăng lên mức trên 24.000 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 5. Đáng chú ý nhất là phiên giao dịch ngày 1/6 vừa qua, HoSE đã phải tạm ngừng giao dịch buổi chiều do lượng giao dịch lên tới hơn 27.000 tỷ đồng chỉ với phiên sáng đã đe dọa đến sự an toàn của hệ thống.
Chưa kể, trong đợt dịch bệnh bùng phát gần đây, những hoạt động giãn cách triệt để tại nhiều tỉnh, thành phố hay đóng cửa tất cả các hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng của Hà Nội lại tái lập càng khiến thị trường chứng khoán trở nên “hot” hơn bởi sự "nhàn rỗi" của nhiều người dân.
Điều này đã được kiểm chứng trước đó ở giai đoạn dịch bùng phát hồi tháng 5, tháng 6/2020: tần suất giao dịch, tìm kiếm thông tin đầu tư tăng vọt, đóng góp cho thị trường chứng khoán lượng tài khoản mở mới “khổng lồ”.
Bên cạnh đó, những thay đổi về quy định của thị trường như Luật Chứng khoán mới hứa hẹn sẽ có thêm những sản phẩm mới để công ty chứng khoán phát triển. Đồng thời, triển vọng nâng hạng nếu diễn ra chắc chắn sẽ giúp hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này như “hổ mọc thêm cánh”.
Chờ thông "nghẽn"
Từ những kỳ vọng kể trên, trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng gây bất ngờ cho các nhà đầu tư chứng khoán khi liên tiếp “lên đồng” về giá và thanh khoản.
Trong đó, cổ phiếu
SSI của Công ty chứng khoán
SSI đang neo ở đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/6, thị giá của
SSI đang ở quanh vùng giá 44.000 đồng/cp, tăng gần 35% trong vòng 1 tháng qua và hơn 30% kể từ đầu năm, thanh khoản trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 16 triệu cổ phiếu/phiên.
Tương tự, cổ phiếu
VND của Công ty chứng khoán VNDirect cũng được mua bán ở mức giá khá cao 50.700 đồng/cp, tăng gần 68% so với mức giá tham chiếu khi chuyển sang giao dịch tại HNX hồi đầu tháng 4. Cổ phiếu HCM (Công ty chứng khoán TP.HCM) cũng ghi nhận mức tăng 25% so với hồi đầu tháng 5, thanh khoản duy trì ở mức cao với gần 6 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.
Không nằm ngoài xu thế, nhiều cổ phiếu của các công ty chứng khoán khác cũng bứt phá như
VCI,
SHS,
FTS,
BSI,
AGR,
CTS,
EVS,
TVS…
Dù đạt được mức tăng khá tốt nhưng ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam lại cho rằng, trần hưởng lợi của các doanh nghiệp chứng khoán đang bị kìm hãm bởi tình trạng đầy tổng lượng cho vay margin ra thị trường và lượng cho vay từng mã cổ phiếu (full pool margin).
Thực tế cho thấy, rất nhiều công ty chứng khoán hàng đầu đều đã chạm đến mức full pool margin. Dù lượng “tiền tươi” đổ vào thị trường trong thời gian qua đã cân bằng vấn đề này, nhưng đây vẫn là bài toán cần giải quyết.
Cũng theo ông Tuấn, hàng loạt kế hoạch phát hành cho cổ đông để huy động vốn đã diễn ra tại khá nhiều các công ty chứng khoán với tổng giá trị thực hiện của nhóm được công bố lên tới 10.000 tỷ đồng.
Với quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là được cho vay 2 lần trên tổng vốn chủ sở hữu thì số tăng thêm sẽ hút được một lượng tiền khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây mới chỉ là thống kê của nhóm công ty chứng khoán nội, ngoài ra còn có nhóm công ty chứng khoán ngoại với tiềm lực lớn và giá vốn rẻ.
“Bài toán giải quyết điểm nghẽn về margin này có khả năng sẽ được giải quyết triệt để trong tháng 6 với dự phóng từ Dragon Capital lên đến 1,5 tỷ USD (khoảng 33.000 tỷ) được bơm vào thị trường kể từ tháng 6, tháng 7 trở đi”, ông Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng thu nhập từ cho vay margin có đạt được tối đa hay không lại phụ thuộc vào việc xử lý sự cố nghẽn lệnh của sàn HoSE. Trong thời gian qua, dưới sự trợ giúp của
FPT, hệ thống giao dịch đã có vẻ như trơn tru hơn, nhưng “bóng ma” này lại bắt đầu quay trở lại khi công suất lệnh vượt quá năng lực xử lý của sàn.
Với con số hơn 400.000 tài khoản được mở mới trong 5 tháng đầu năm 2021 và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa, các công ty chứng khoán vẫn phải trông chờ vào hệ thống công nghệ giao dịch tại HoSE mới chắc chắn có thể nhận được khoản doanh thu “khủng” từ margin.