Cổ phiếu FRT đang giao dịch dưới 28.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 20% so với mức cao nhất từ đầu năm 2021.
Ảnh minh họa.
Giữa bối cảnh thị trường chứng khoán thăng hoa từ đầu năm 2021, cổ phiếu
FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) lại đang biến động trái chiều.
Trên thực tế, cổ phiếu
FRT tạo được khá nhiều sóng trong khoảng 6 tháng trở lại đây tuy nhiên xu hướng giảm vẫn là chủ đạo. Cổ phiếu này bắt đầu nổi sóng từ vùng giá 22.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 11 năm ngoái với thanh khoản bùng nổ. Liên tiếp tăng mạnh,
FRT leo lên đạt đỉnh 34.350 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng hơn 55% chỉ sau chưa đầy 2 tháng.
Tuy nhiên, làn sóng Covid thứ 3 vào cuối tháng 1 cùng tâm lý nghỉ Tết khiến thị trường chung bị ảnh hưởng tiêu cực trong đó
FRT cũng không ngoại lệ. Cổ phiếu này nhanh chóng rơi về vùng 24.000 đồng/cổ phiếu, “bốc hơi” gần 30% chỉ trong khoảng 2 tuần và gần như thổi bay toàn bộ thành quả tăng giá trước đó.
Cùng rơi sâu tuy nhiên nhịp phục hồi sau đó của
FRT lại yếu hơn nhiều so với thị trường chung. Trong khi VN-Index đã vượt đỉnh lịch sử và hướng tới các mức đỉnh mới 1.400 điểm, cổ phiếu này vẫn chưa thể thoát xu hướng giảm kéo dài. Hiện
FRT đang giao dịch dưới 28.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 20% so với mức cao nhất từ đầu năm 2021.
Diễn biến cổ phiếu FRT trong 1 năm trở lại đây
TĂNG TRƯỞNG NGÀNH BÁN LẺ Ở MỨC 1 CON SỐ
Chứng khoán PHS dự báo đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và hiện Việt Nam vẫn chưa triển khai tiêm vaccine cho toàn dân, điều này ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng. Ngoài ra, thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng bị sụt giảm do dịch Covid-19 vẫn chưa thể cải thiện trong ngắn hạn. Fitch Solutions dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng 7% so với năm trước nhưng vẫn giảm so với trước đại dịch.
Do đó, PHS lên 2 kịch bản ước tính tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Cụ thể, kịch bản 1: Tiêm chủng vaccine toàn dân được triển khai trong quý 3, tốc độ tăng trưởng bán ngành lẻ Việt Nam có thể đạt 9,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kịch bản 2 tiêm chủng vaccine toàn dân được triển khai trong quý 4, tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ Việt Nam có thể đạt 8% so với năm trước.
Mặt khác, PHS cho rằng ngành bán lẻ Việt Nam hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại và các doanh nghiệp lớn trong ngành gia tăng thị phần thông qua M&A. Thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ tiềm năng nhất châu Á và toàn cầu, tốc độ đô thị hóa vẫn còn thấp nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, các thành phố thứ cấp sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp bán lẻ thay vì các thành phố lớn.
CHUỖI NHÀ THUỐC LONG CHÂU VẪN LỖ, CHƯA RÕ ĐIỂM HÒA VỐN
Năm 2021, FPT Reatail đặt kế hoạch doanh thu 16.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, tương ứng tăng 12% và 320%. Công ty dự kiến mở mới 150 nhà thuốc Long Châu, nâng tổng số cửa hàng lên 350 vào cuối năm 2021. Để cải thiện lợi nhuận của nhà thuốc,
FRT đặt mục tiêu có 50 SKU độc quyền vào cuối năm 2021 (so với 15 SKU độc quyền trong năm 2020).
SSI Research ước tính biên lợi nhuận gộp của chuỗi nhà thuốc này sẽ tăng từ mức 17% vào năm 2020 lên 18% vào năm 2021. Khi hoạt động mỗi cửa hàng cải thiện, biên lợi nhuận trước thuế cũng sẽ cải thiện. Dù vậy, SSI Research ước tính giá trị tuyệt đối lỗ trước thuế năm 2021 của chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ tăng lên 168 tỷ đồng so với con số 116 tỷ đồng năm trước.
Trong giai đoạn 2022-2023, FPT Retail sẽ tiếp tục mở mới mạnh mẽ 150 nhà thuốc mỗi năm. Do mở nhiều nhà thuốc (130 nhà thuốc) trong năm 2020 nhưng biên lợi nhuận gộp chưa cải thiện, SSI Research chưa thể xác định thời điểm hòa vốn của mảng này.
Đối với FPT Shop, FPT Reatail dự kiến mở 70-80 trung tâm laptop bên trong FPT Shop. Công ty cũng dự kiến mở các kiot riêng cho Xiaomi trong FPT Shop để quảng bá sản phẩm (tương tự F.Studio quảng bá thương hiệu Apple) đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm bao gồm đồng hồ Garmin và sim card đồng thương hiệu (FPT Shop và Mobifone).
Doanh thu FPT Shop ước tính đạt 13.400 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ tương ứng doanh thu/cửa hàng/tháng ước tính giảm 2% còn 1,8 tỷ đồng. Theo SSI Research, dù giả định sẽ không có đợt giãn cách xã hội nào trong năm 2021, doanh thu điện thoại di động vẫn có thể giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hàng không thiết yếu.
Trong bối cảnh thị trường ĐTDĐ bão hòa, SSI Research cho rằng
FRT có thể thực hiện cắt giảm chi phí (giảm chi phí thuê, tối ưu hóa chi phí lao động,...). Giảm tỷ lệ chi phí SG&A/doanh thu đối với FPT Shop sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021. Theo ước tính của SSI Research, doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2021 của FPT Reatail có thể lần lượt tăng 7% và 360% so với năm trước.
SSI Research dự phóng kết quả kinh doanh của FPT Retail