Mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A có trữ lượng thu hồi 5,5 tỷ m3 khí và 63 triệu thùng condensate giai đoạn 2021-2025.
Đón dòng khí từ mỏ này giúp bổ sung khoảng 1 tỷ m3 khí mỗi năm, tương đương 10% sản lượng PV Gas.
Ngày 18/6, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức lễ đón nhận khai thác dòng khí đầu tiên từ mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A, Lô 15-1. Mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A gồm 3 giếng (2 giếng chắc chắn và 1 giếng dự phòng) với tổng trữ lượng khí tự nhiên đến hết tháng 9/2025 là 5,5 tỷ m3 và 63 triệu thùng condensate. Dự án có tổng đầu tư CAPEX gần 138 triệu USD với sự tham gia của PVN, PVEP, Perenco, KNOC, SK và Geopetrol do Cửu Long JOC điều hành.
Khí từ mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2 sẽ cung cấp 1 tỷ m3 khí cho PV Gas.
SSI Research cho rằng khí từ các mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2, Sao Vàng, Đại Nguyệt, Thiên Ưng, Đại Hưng được thiết kế chảy qua đường ống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 và kết hợp với nhau nên công suất đường ống đạt 7 tỷ m3 mỗi năm. Dự án Sư Tử Trắng 2B được kỳ vọng đi vào hoạt động sớm nhất năm 2024 với tổng khối lượng khí hằng năm là 2 tỷ m3.
SSI Research đánh giá việc đón dòng ký từ mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2 là sự kiện tích cực đối với PV Gas (HoSE:
GAS). Khối lượng khí bổ sung đạt khoảng 1 tỷ m3 mỗi năm giai đoạn 2022-2025 (chiếm gần 10% sản lượng hiện tại) giúp giảm bớt sự suy giảm trữ lượng khí trong các mỏ lâu năm, đảm bảo cung cấp đủ khí cho các nhà máy điện, nhà máy phân bón và các mục đích sử dụng công nghiệp khác. Qua đó, giá đấu giếng tại mỏ này được kỳ vọng sẽ thấp hơn giá đấu giếng tại mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt (7,4 USD/mmbtu).
Tuy nhiên, SSI Research lưu ý về sức tiêu thụ các nhà máy điện khí còn yếu, tổng nhu cầu dự báo ở mức 8,9 tỷ m3, đi ngang so với năm trước, trong khi nguồn cung tiềm năng là 11 tỷ m3. Việc tiêu thụ khí yếu liên quan đến ảnh hưởng kép của dịch Covid-19 và tăng trưởng nguồn cung năng lượng mặt trời. Do vậy, SSI Research cho rằng giai đoạn 2021-2022 sẽ có sự đảo ngược thiếu cung thành dư cung.