VNSteel lên kế hoạch doanh thu giảm 3% và lợi nhuận giảm 41% so với năm trước.
Riêng quý I, tổng công ty ghi nhận 454 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch năm.
Ngân sách đầu tư của tổng công ty giai đoạn 2021-2026 là 6.625 tỷ đồng.
Kế hoạch lãi 400 tỷ đồng năm 2021, vượt gần 14% sau quý đầu năm
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 28/6, cổ đông Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel, UPCoM:
TVN) đã thông qua kế hoạch sản xuất và tiêu thụ năm 2021 đạt 3,9 triệu tấn thành phẩm, giảm nhẹ so với mức 4 triệu tấn thực hiện năm trước. Doanh thu 30.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 400 tỷ đồng; lần lượt giảm 3,4% và giảm 40,6% so với năm trước.
Kế hoạch lợi nhuận 2021 chưa bao gồm ảnh hưởng xấu từ các khoản đầu tư của tổng công ty tại VTM, Tisco, Mỏ sắt Thạch Khê… Bộ Tài chính đã có văn bản dự thảo xử lý quyết toán cổ phần hóa tại tổng công ty và các bên liên quan đang có ý kiến đóng góp, trường hợp giữ nguyên như dự thảo thì đơn vị sẽ phải thực hiện phân bổ giá trị vị thế địa lý trong 3 năm, nộp bổ sung số phải nộp về cổ phần hóa và lãi chậm nộp khiến lợi nhuận 2021 giảm tương ứng.
Riêng quý I, tổng công ty ghi nhận doanh thu 9.445 tỷ đồng, tăng 29%; lãi trước thuế 454 tỷ đồng, gấp 8,7 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh nghiệp thực hiện được 31% chỉ tiêu doanh thu và vượt 13,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Năm 2020, doanh thu tổng công ty giảm 8% xuống 31.654 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 34% đạt 673 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 32% lên 480 tỷ đồng.
Song, HĐQT cho biết lợi nhuận lũy kế trên báo cáo tài chính riêng của tổng công ty tại 31/12/2020 chỉ đạt 229 tỷ đồng (chưa trích lập các quỹ), trong khi vốn điều lệ 6.780 tỷ đồng. Nếu thực hiện chia cổ tức thì tỷ lệ thấp chỉ khoảng 2,9%. Vì vậy, HĐQT đề xuất và được cổ đông duyệt phương án giữ lại lợi nhuận sau thuế để tích lũy, chưa thực hiện chia cổ tức năm 2020 và có thể tạm ứng trong năm 2021.
Tăng cường đầu tư hoặc M&A giành lại thị phần
Nguồn: Ảnh chụp màn hình
Phát biểu tại đại hội, ông Lê Song Lai, Chủ tịch HĐQT cho biết công suất của các đơn vị thành viên nhỏ, phổ biến từ 120.000-250.000 tấn/năm, trong khi các đơn vị thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) gia tăng mạnh công suất thời gian qua khiến thị phần của tổng công ty bị thu hẹp và không còn là đơn vị đóng vai trò dẫn dắt.
Với năm 2021, lãnh đạo VNSteel đánh giá ngành thép trong những năm tới sẽ có nhiều khó khăn và cơ hội đan xen. Ngành thép Việt Nam bước vào giai đoạn mới với vị thế mới trong khu vực, tuy nhiên thách thức lớn là xu hướng tiếp tục đầu tư nhà máy mới của các nước trong khu vực.
Do vậy, tổng công ty sẽ tập trung nguồn lực tài chính thu được từ việc tái cơ cấu giai đoạn 2019-2020 và các năm tới để đầu tư vào các đơn vị có thương hiệu, dây chuyền công nghệ đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thị trường, sản xuất kinh doanh ổn định trong những năm vừa qua để gia tăng công suất, nhằm bù đắp phần sản lượng thiếu hụt sau khi một số đơn vị sẽ phải di dời trong 2-3 năm tới. Cùng với đó, công ty sẽ phải bổ sung công suất bằng hình thức đầu tư dự án mới, mua bán sáp nhập.
Tập đoàn dự kiến sẽ tăng sản lượng thép chữ V khoảng 1,5-2 triệu tấn/năm giai đoạn 2020-2025 thông qua đầu tư nhà máy mới, mua bán sáp nhập với modul công suất luyện cán thép 1-1,5 triệu tấn mỗi năm. Dự kiến chi phí đầu tư nhà máy mới khoảng 7.000-10.000 tỷ đồng.
Với sản phẩm thép dẹt, tổng công ty sẽ xem xét tái cấu trúc các đơn vị trong khối lấy Tôn Phương Nam làm trọng tâm, mục tiêu là nâng công suất lên trên 1 triệu tán mỗi năm. Ngoài ra, đơn vị không loại trừ khả năng mua bán sáp nhập công ty sản xuất mạ hiện có tạo ra thương hiệu thống nhất theo chuỗi với Tôn Phương Nam.
Ngân sách đầu tư của tổng công ty giai đoạn 2021-2026 là 6.625 tỷ đồng. Riêng năm 2021, kế hoạch đầu tư phát triển 380 tỷ và mua sắm, nâng cấp tài sản 267 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2026, VNSteel đặt mục tiêu sản lượng 27,4 triệu tấn, tổng doanh thu 209.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.400 tỷ đồng.
Cổ đông tổng công ty cũng đã thông qua việc dừng thực hiện đề án tái cấu trúc giai đoạn 2015-2016 và 2016-2020.