• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 6:06:28 SA - Mở cửa
VJC: Họp ĐHCĐ Vietjet: Bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận, nhà đầu tư Hàn Quốc, Hong Kong quan tâm đến đợt chào bán riêng lẻ
Nguồn tin: Người đồng hành | 29/06/2021 3:51:36 CH
Vietjet đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 21.900 tỷ đồng, giảm so với kế hoạch 32.000 tỷ đồng trước đó do làn sóng Covid-19 thứ 4.
Hãng dự báo cuối mùa hè năm 2021 thị trường có thể hồi phục trở lại.
Quý I, khoản thu nhập tài chính đạt 1.300 tỷ đồng, đến từ đầu tư tài chính, giấy tờ có giá an toàn có tỷ suất lợi nhuận tốt.
Một số định chế tài chính đến từ Hàn Quốc, Hong Kong quan tâm đến kế hoạch chào bán riêng lẻ cổ phiếu tối đa 15% vốn điều lệ. 
 
Sáng nay, CTCP Hàng không Vietjet (HoSE:VJC) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021 thông qua hình thức trực tuyến. Tính đến 9h00, 162 cổ đông sở hữu đại diện 517,5 triệu cổ phần, tương đương 95,55% tổng cổ phần phát hành tham gia đại hội. 
 
 
Ảnh chụp màn hình
 
Tăng vốn tối đa 15% vốn điều lệ, không lên chỉ tiêu lợi nhuận 
 
Đại hội đã thông qua kế hoạch tăng vốn bằng việc chào bán tối đa 15% vốn điều lệ. Mục đích tăng quy mô vốn để đầu tư, góp vốn vào các công ty con, bổ sung vốn lưu động, đầu tư mở rộng kinh doanh dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính…
 
Đối tượng chào bán là tổ chức trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế, quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, logistics, dịch vụ, tài chính. Đại hội uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời gian thực hiện, mức giá bán căn cứ trên mức giá bình quân 10 phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm chào bán. 
 
Vietjet cũng lên kế hoạch huy động trái phiếu quốc tế dự kiến thực hiện trong năm 2021 hoặc 2022, uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm cụ thể. Theo đó tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành 300 triệu USD có thời hạn 5 năm với lãi suất có thể cố định, thả nổi hoặc kết hợp cả hai. Trái phiếu có thể dử dụng để thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu. Mục đích phát hành nhằm huy động vốn cho các dự án đầu tư, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng, và bổ sung vốn hoạt động.  
 
Cổ đông Vietjet cũng thông kế hoạch chào bán 10 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương chưa đến 10% thị giá cổ phiếu VJC trên sàn. Thời gian dự kiến thực hiện trong 3 năm từ 2021. Số tiền dự kiến 100 tỷ đồng bổ sung cho vốn hoạt động kinh doanh. 
 
Năm 2021, lãnh đạo Vietjet nhìn nhận sẽ là năm tiếp tục khó khăn và thử thách không chỉ với hàng không Việt Nam mà đối với ngành hàng không thế giới. Tại Vietjet, ban lãnh đạo cho biết phải điều chỉnh kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận dựa trên tình hình thực tế, thấp hơn so với kết quả đạt được năm 2020. 
 
Cụ thể năm 2021, Vietjet dự kiến doanh thu hợp nhất 21.900 tỷ đồng, tăng 20% so nhờ doanh thu vận tải hàng hoá nhưng chỉ tiêu lợi nhuận bỏ ngỏ. Kế hoạch này giảm so với mức 32.000 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đưa ra trước khi Việt Nam đón làn sóng bùng dịch thứ 4 từ tháng 5.
 
Ban lãnh đạo Vietjet cũng lưu ý kế hoạch đưa ra dựa trên giả định kết quả kinh doanh 6 tháng, dự kiến doanh thu sẽ tăng trở lại từ tháng 8, thị trường quốc tế mở cửa từ tháng 12 và dần phục hồi vào năm 2022. 

 
 
Ảnh chụp màn hình
 
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngoài khai thác vận tải hành khách trong bối cảnh Covid-19, Vietjet tiếp tục đẩy mạnh mảng vận tải hàng hoá với việc ra mắt thêm sản phẩm mới. Ngoài ra, hãng sẽ tiếp tục chiến lược giao dịch mua bán tàu bay, tương tự như các năm trước. 
 
Hãng cũng bày to tham vọng với mong muốn sẽ tham gia vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng hàng không bằng việc đầu tư nhà ga ở sân bay có lưu lượng hành khách cao. Đẩy mạnh dịch vụ vận tải hàng hoá hay dịch vụ thương mại ở Thai Vietjet, tăng tỷ lệ đầu tư tại công ty này. 
 
Theo báo cáo của ICAO, lượng khách đi lại bằng đường hàng không đã giảm 60% trong năm 2020 với 1,8 tỷ lượt khách. Ước tính ngành hàng không toàn cầu thiệt hại 370 tỷ USD. Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) đánh giá ngành hàng không đã có một năm tồi tệ nhất trong lịch sử với nhiều hàng hãng thua lỗ nặng dù đã phải tái cơ cấu và cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động. Mặc dù vậy, lĩnh vực vận tải hàng hoá lại cho thấy triển vọng với tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội kinh doanh vận chuyển hàng hoá giữa các châu lục. 
 
Tại Việt Nam, tổng lượng khách nội địa và quốc tế vận chuyển qua các hãng hàng không của Việt Nam giảm 43,5% với 66 triệu lượt trong khi đó vận chuyển hàng hoá giảm nhẹ hơn 14,7% với 1,3 triệu tấn hàng hoá. Riêng thị trường quốc tế ghi nhận 14,4 triệu lượt vận chuyển hành khách và hơn 516.000 tấn hàng hoá, giảm lần lượt 65% và 24% so với năm 2019. Vietjet dẫn đánh giá từ các tổ chức cho rằng với các chương trình vaccine mạnh mẽ ở các nước và chính sách dần nới lỏng nhằm mở cửa quốc tế, kỳ vọng hoạt động hàng không sẽ phục hồi từ cuối năm 2021, để lấy lại tăng trưởng trong năm 2022. 
 
Trong năm 2020, Vietjet đã khai thác 78.000 chuyến bay với gần 15 triệu hàng khách. Trong khi vận chuyển hàng hoá đạt 60.000 tấn, tăng trưởng bình quân 16%. Dưới tác động của các đợt bùng dịch năm 2020, Vietjet cho biết đã khôi phục và mở mới mạng bay nội địa với hơn 48 đường bay, mở thêm 8 đường bay nội địa, nâng tổng số chuyến bay nội địa và quốc tế lên 146.000 chuyến. Trong đó có 68 chuyến bay giải cứu và 20 chuyến bay giải toả cho hơn 14.100 hành khách. 
 
Năm 2020, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 18.220 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ đạt 1.453 tỷ đồng nhưng nhờ doanh thu tài chính nhờ tái cơ cấu danh mục dầu tư giúp lợi nhuận hợp nhất dương, đạt gần 70 tỷ đồng. 
 
Hãng cho biết số lượng nhân viên đến cuối năm 2020 là hơn 6.000 nhân viên. Mặc dù tiết giảm mạnh chi phí hoạt động để không sa thải nhân viên, nhưng để ứng phó với khó khăn trước đại dịch, chi phí lương bình quân của năm ngoái đã giảm một nửa so với năm trước đó. Năm 2020, thị phần của Vietjet 40%.

 
 
 
Ảnh chụp màn hình
 
Chia tiếp cổ tức 25% bằng cổ phiếu
 
ĐHĐCĐ Vietjet năm 2020 đã thông qua việc chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu. Trong đó, đã thực hiện đợt 1 chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu và bán cổ phiếu quỹ. Đợt cổ tức thứ hai 25% còn lại uỷ quyền cho HĐQT thực hiện dựa theo tình hình hoạt động và điều kiện thị trường. Vốn điều lệ sau khi chia dự kiến tăng lên 6.677 tỷ đồng.
 
Vietjet cho biết, đến 22/5, hãng đã hoàn tất chuyển nhượng 17,7 triệu cổ phiếu quỹ với giá bình quân 132.248 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu về ước đạt 2.348 tỷ đồng.
 
Đại hội thảo luận:
 
- Dự báo ngành hàng không sắp tới sẽ ra sao?
 
- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT Vietjet: Năm 2020, Vietjet đã đi qua đại dịch một cách đầy bản lĩnh, sẵn sàng cho sự trở lại của thị trường hàng không. Theo diễn biến mới nhất, một trong những dự báo của Vietjet là vào cuối mùa hè năm 2021 thị trường có thể hồi phục trở lại. Bởi theo quy luật, các đợt sóng Covid-19 diễn ra trong 3-4 tuần. Tiêm chủng đã thực hiện thành công tại Mỹ, châu Âu và Việt Nam hoàn thành đợt tiêm chủng đầu tiên trong tuần này. Tương tự Việt Nam, hầu hết các nước khu vực cũng đang thực hiện chương trình tiêm chủng, đây là làm tiền đề mở cửa trở lại thị trường hàng không. 
 
Nhìn vào thị trường Mỹ, châu Âu, lượng khách hàng không đã bắt đầu tăng trở lại. Riêng tại châu Á, thời điểm trước đợt bùng phát thứ 4 này, lượng đi lại, cung ứng của hành khách trên các đường bay nội địa tăng cao hơn đại dịch từ 20-30%. Chúng tôi tin rằng, thời điểm nhu cầu đi lại bằng hàng không bật tăng trở lại sẽ tới rất gần. Chúng tôi cũng sẵn sàng đón thời điểm này và đáp ứng nhu cầu ngành hàng không bằng các biện pháp như duy trì bảo dưỡng đội tàu bay, nâng cấp hệ thống thương mại, tài chính, đầu tư phát triển đội tàu bay…
 
-Vietjet có kế hoạch mở đường bay thẳng đến Mỹ?
 
- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Hiện Vietjet chưa có kế hoạch triển khai bay thẳng đến Mỹ. Chúng tôi vẫn đang phục vụ tốt nhu cầu khách đi từ Mỹ và châu Âu đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á, Trung Quốc... thông qua các “hub” (sân bay chuyển tiếp) hàng không như Seoul, Hong Kong, Tokyo... Thực tế, chi phí của việc phục vụ thông qua các điểm nối chuyển tốt hơn so với các chuyến bay thẳng.
 
- Vietjet có dự trữ nhiên liệu cho năm 2021, thực hiện hedging (phòng ngừa rủi ro) giá xăng dầu?
 
- Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Vietjet: Tháng 4/2020, giá hợp đồng tương lai dầu ngọt nhẹ của Mỹ âm khoảng 37 USD, tức người bán trả tiền cho người mua. Mặt khác, khi hàng không trì trệ đã tác động đến giá dầu. Tại thời điểm đó, chúng tôi đánh giá giá dầu sẽ bật tăng trở lại và khó giảm hơn nên đã thực hiện mua dầu với giá rất thấp. Chi phí nhiên liệu chiếm 35-40% chi phí hoạt động. Chúng tôi đã đàm phán với các nhà cung cấp lớn trong nước về nguyên liệu như Petrolimex Aviation, Skypec… Năm 2021, tiếp tục đàm phán để có điều kiện thanh toán tốt hơn, hỗ trợ cho Vietjet . 
 
Ngoài ra, Vietjet cũng sẽ theo sát tình hình giá dầu trên thị trường, và thực hiện hedging nhiên liệu bay cho phù hợp bởi hoạt động này cũng có mặt trái nếu điều hành không tốt, hệ quả sẽ khó khăn hơn. 
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: thông thường, Vietjet thực hiện kế hoạch hedging cho khoảng 30% kế hoạch xăng dầu sử dụng trong khoảng 6 tháng. Tuy nhiên thời điểm thực hiện dựa trên diễn biến giá dầu, cung cầu dầu trên thế giới. Năm rồi việc dự trữ xăng dầu đã góp phần tiết giảm chi phí khai thác khá lớn cho Vietjet . 
 
- Chia sẻ về hãng hàng không Thai Vietjet?
 
- Nguyễn Thị Thuý Bình, Phó Tổng giám đốc Vietjet: Tình hình Covid-19 ở Thái Lan trong năm 2020 đã ảnh hưởng lớn đến hơn 20 hãng đang khai thác. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy cơ hội trong bối cảnh nhiều hãng phải nộp đơn phá sản. Vietjet tham gia ngay vào thị trường nội địa Thái Lan, vốn là mảng rất khó tham gia từ năm 2019 về trước. 
 
Trong năm qua, Thai Vietjet đã tăng gấp đôi đường bay lên 14, phủ 10 điểm đến trong bối cảnh hầu hết các đường bay quốc tế tại Thái Lan đều đóng cửa. Công ty ghi nhận 3 triệu lượt khách bay, tăng 13,5% so với 2019, doanh thu nội địa tăng 14%. Thị phần cuối năm 2020 đạt 17% trên toàn mạng bay nội địa Thái Lan và 25% toàn mạng bay của Vietjet . Với cơ hội tại Thái Lan, năm 2021, dù Covid-19 tiếp diễn nhưng Thai Vietjet vẫn chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa trở lại, giải quyết các khó khăn trong cạnh tranh thị trường nội địa trước đó. Riêng quý I, dù qua 2 đợt dịch tại Thái Lan, nhưng Thai Vietjet vẫn duy trì thị phần lớn nhất, trở thành phương tiện nội địa thường xuyên với tần suất ổn định. 
 
- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Hiện Vietjet tham gia 9% vào Thai Vietjet và dự kiến sẽ tăng tỷ lệ sở hữu. Đây sẽ là hãng hàng không anh em, cùng Vietjet trở lại khai thác mảng bay quốc tế sau khi đại dịch được kiểm soát. 
 
- Chỉ tiêu phân slot cho Vietjet thế nào, sau đại dịch có được phân chia như trước đây không?
 
- Ông Đinh Việt Phương: Hiện nay hoạt động điều phối slot (lần cất hạ cánh tàu bay) đang được điều phối, phân bổ bởi Cục hàng không Việt Nam. Dưới cục có hội động slot bao gồm đại diện của tất cả các hãng hàng không, đại diện ACV, quản lý VATC, đại diện ban ngành bộ giao thông. Hoạt động điều phối công khai, minh bạch, có quy chế rõ ràng buộc các hãng thực hiện. Tinh thần chung dựa trên các slot đã khai thác, từ dữ liệu quá khứ và khả năng cung ứng để phân chia. 
 
Hiện nay, nhu cầu bay đến TP HCM, Hà Nội ngày càng tăng. Để giải quyết bài toán slot đồng bộ, phải nâng cao được năng lực cất hạ cánh tốt hơn. Khi miếng bánh lớn hơn, slot chia cho các hãng tốt hơn. 
 
- Khoản thu nhập tài chính 1.300 tỷ đồng trong quý I phát sinh từ giao dịch nào?
 
- Nguyễn Thị Phương Thảo: Công ty đã kịp thời triển khai các phương thức đảm bảo các giá trị tài chính, đồng vốn cổ đông được sử dụng tốt nhất. Bên cạnh các biện pháp giảm chi phí vận hành, khai thác, công ty cũng tiến hành hoạt động kinh doanh, đầu tư khác để sử dụng tốt nhất nguồn vốn. Đối với một số bất động sản, công ty đã thực hiện bán với giá thị trường và thuê lại một phần, để có tiền mặt. Với lượng tiền mặt này, công ty sẽ tìm kiếm dự án đầu tư có hiệu quả sinh lời, khả năng thanh toán tốt để khi có nhu cầu tiền mặt có thể thu hồi ngay. 
 
Khoản thu nhập tài chính quý I đến từ chương trình này, huy động nguồn vốn chuyển thành các hình thức đầu tư tài chính, giấy tờ có giá an toàn, có tỷ suất lợi nhuận tốt. Các khoản đầu tư trong quý I cũng theo chương trình này. Công ty có kế hoạch đầu tư 1 dự án đang phát triển. Dự án này theo cam kết chủ đầu tư, ngay trong quý I và II đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, với dự báo lượng tiền mặt trên thị trường tăng lên, xu hướng đầu tư vào các giấy tờ có giá, tài sản, chứng khoán, bất động sản đều có triển vọng tăng trường. Dự báo này đã được thị trường xác thực đúng đắn. Các dự án đầu tư mang về hiệu quả tài chính, đóng góp kết quả cho công ty, giúp Vietjet vào nhóm công ty hàng không dẫn đầu thế giới về hiệu quả tài chính. 
 
- Công ty chia sẻ thêm về các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực hàng không như nhà ga hành khách?
 
- Nguyễn Thị Phương Thảo: Vietjet  đã đầu tư vào nhà ga sân bay tại cảng Cam Ranh và thu về hiệu quả tốt. Vietjet ngoài mang lại các chuyến bay lớn nhất tại cảng Cam Ranh, còn đóng góp 10% vào nhà ga này. Đây là bước đi ban đầu trong chương trình đầu tư nhà ga, sân bay tại các điểm mà Vietjet có thể tham gia.
 
Hiện ACV là chủ đầu tư chính tại một số sân bay, nhưng chủ trương chính sách chung của Chính phủ là xã hội hoá hạ tầng sân bay, đã được khẳng định thông qua nghị quyết trung ương V về vai trò kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế. Bên cạnh cảng Cam Ranh, cảng Vân Đồn cũng đưa vào triển khai và Vietjet cũng tham gia tích cực. Một số sân bay khác cũng trong kế hoạch cải tạo nâng cấp. Kỳ vọng với nghị quyết Trung ương V, trong thời gian gần tới, Chính phủ sẽ có cơ chế chính sách rõ ràng hơn về đầu tư nhà ga, hạ tầng sân bay. Vietjet sẵn sàng trong tâm thế lựa chọn dự án đầu tư. Hy vọng ngay trong kỳ đại hôi thường niên năm nay sẽ có tín hiệu, thông tin, cơ hội triển khai trong đầu tư dự án, hạ tầng, nhà ga sân bay. 
 
- Kế hoạch phát hành 15% cho cổ đông riêng lẻ cụ thể thế nào về mức giá, định giá, đã có nhiều bên quan tâm chưa? Covid-19 ảnh hưởng ra sao về giá và khả năng thành công?
 
- Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Giám đốc tài chính: Trước tình hình Covid-19 có nhiều biến động, công ty chuẩn bị nhiều phương án để có nguồn lực tài chính không chỉ vượt qua Covid mà còn cho sự phục hồi. Kế hoạch chào bán đã chuẩn bị từ cuối năm ngoái. Giá chào bán sẽ được HĐQT căn cứ trên giá thị trường, đam bảo quyền lợi cổ đông, quy định pháp luật. 
 
Khi làm ra phương án phát hành cổ phiếu, trái phiếu, tăng vốn điều lệ, chúng tôi đều dựa trên chiến lược, kế hoạch kinh doanh dài hạn trong vài năm tới để đối tác có thể đầu tư lâu dài. 
 
Hiện nay, cũng đã có một số nhà đầu tư quan tâm là một số định chế tài chính đến từ Hàn Quốc, Hong Kong… nhưng do cam kết bảo mật chưa tiện công bố.  
 
- Các chính sách hỗ trợ lãi suất, thuế môi trường có được tiếp tục?
 
- Ông Đinh Việt Phương: Năm 2020, ngành hàng không Việt Nam đã được hỗ trợ kịp thời bằng nhiều giải pháp như giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, giảm chi phí cất hạ cánh, chi phí khai thác tại sân bay… Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kiến nghị cho doanh nghiệp hàng không, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các chương trình lãi suất 0% cho khoản vay ngắn hạn 12 tháng. Các khoản vay gia hạn cũng được hỗ trợ lãi suất 4 - 5%/năm. Ngoài ra tiếp tục các giải pháp giảm thuế môi trường, nhiên liệu, giảm chi phí tại sân bay… để ngành hàng không phục hồi nhanh nhất. 
 
Đại hội đã thông qua toàn bộ tờ trình.