• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
30 Tháng Mười Một 2024 3:53:45 SA - Mở cửa
HVN: Vietnam Airlines dự kiến chào bán 800 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp
Nguồn tin: Người đồng hành | 14/07/2021 10:47:03 SA

Hãng hàng không quốc gia đặt chỉ tiêu doanh thu giảm 11,6%; lỗ sau thuế 14.526 tỷ đồng.

Vietnam Airlines dự kiến bán 11 tàu A321 CEO cũ nhằm bổ sung dòng tiền và thu nhập.
Tổng công ty dự kiến phát hành 800 triệu cổ phần HVN cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 56,4%.
Hãng hàng không muốn bán 6 tàu bay ATR72 sản xuất 2009-2010 để thay bằng đội bay phản lực khu vực.
 
Vietnam Airlines (HoSE: HVN) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tổ chức vào sáng ngày 14/7. 
 
Kế hoạch doanh thu giảm 11,6%, lỗ sau thuế 14.526 tỷ đồng.
 
Năm ngoái, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 40.613 tỷ đồng, giảm 69%; lỗ sau thuế hợp nhất là 11.098 tỷ đồng và phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 10.844 tỷ đồng. Trong năm nay, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm 11,6% so với thực hiện năm trước. Lỗ sau thuế là 14.526 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc về cổ công ty mẹ là 12.908 tỷ đồng.
 
Kế hoạch này được xây dựng trên giả định: Bán 11 tàu A321; Chính phủ cho phép triển khai mở cửa cho khách du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vaccine; Cải thiện doanh thu trung bình trên các chuyến bay nội địa; Khai thác chuyến bay hàng hóa, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện; Hoàn thành mục tiêu đàm phán đối tác thuê mua tàu bay, cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng (SCBD) tàu bay, động cơ, các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân năm 2021; Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về chi phí hạ cất cánh, điều hành bay, thuế bảo vệ môi trường, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo đề xuất, các loại thuế phí khác; Hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ.

 
Vietnam Airlines dự kiến bán 11 tàu A321 CEO cũ. Ảnh: Vietnam Airliné
 
Từ đầu năm, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp hơn so với dự báo, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm với mức lỗ công ty mẹ ước khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng. Để giải quyết những khó khăn, bên cạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, tổng công ty cũng có có các giải pháp tự thân như cắt giảm chi phí hoạt động quảng cáo, đàm phán với các đối tác lớn trong lĩnh vực cho thuê tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng… Tổng các giải pháp giúp tích kiệm khoảng 6.800 tỷ đồng trong năm nay.
 
Ngoài ra, Vietnam Airlines dự kiến bán 11 tàu A321 CEO cũ nhằm bổ sung dòng tiền và thu nhập. Tuy nhiên thị trường đang đối mặt với tình trạng dư thừa tàu bay nên việc thanh lý 11 tàu bay này trong năm nay có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
 
Về kế hoạch đầu tư, hãng hàng không triển khai kế hoạch phát triển đội tàu bay giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030, trong đó tập trung thực hiện dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp để đổi mới đội tàu bay và đáp ứng nhu cầu khai thác của tổng công ty.
 
Trong năm nay, kế hoạch đầu tư phát triển 31 dự án gồm 17 dự án chuẩn bị đầu tư và 14 dự án thực hiện đầu tư với tổng kinh phí khoảng 181,8 tỷ đồng, chiếm 64,5% tổng giá trị kế hoạch đầu tư phát triển cả năm 2021. Nguồn vốn đầu tư đến từ 81,8 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 100 tỷ đồng vốn vay. 
 
Phương án phát hành 800 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ
 
HĐQT Vietnam Airlines trình cổ đông phương án phát hành 800 triệu cổ phần HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Số vốn huy động sau đợt phát hành là 8.000 tỷ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu HVN theo phương thức chuyển giao quyền mua. Cổ đông được chuyển nhượng quyền mua 1 lần và chỉ được chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân trong nước. 
 
Mục đích phát hành để thanh toán nợ quá hạn, nợ đến hạn; trả nợ vay ngắn và dài hạn đến hạn; bổ sung vốn lưu động. Thời gian phát hành dự kiến trong quý III-IV sau khi có chấp thuận của UBCK.
 
Vào ngày 7/7 vừa qua, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
 
Việc cho vay tái cấp vốn và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020, giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. 
 
Chủ trương bán 6 tàu ATR72 để thay thế bằng đội bay phản lực khu vực

 
Dòng tàu bay ATR72. Ảnh: Vietnam Airlines
 
Vietnam Airlines dự kiến bán 6 máy bay ATR72 sở hữu theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là thay thế dần các tàu bay thế hệ cũ đã khai thác trên 12 năm tuổi bằng tàu bay thế hệ mới nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo ổn định khai thác và nâng cao chất lượng dịch vụ. 
 
Đội tàu ATR72 của Vietnam Airlines hiện có 7 tàu, trong đó 6 tàu sở hữu (5 chiếc sản xuất năm 2009 và 1 chiếc sản xuất năm 2010) và 1 tàu thuê của VALC (hết hạn hợp đồng vào tháng 8/2022). Các tàu này sẽ đến 12 năm tuổi vào tháng 10 năm nay (5 tàu) và tháng 1/2022 (1 tàu). Tính đến cuối năm nay, giá trị sổ sách còn lại của các tàu ATR72 sở hữu trong khoảng 3,5-4,3 triệu USD.
 
Theo tờ trình của tổng công ty, giá thị trường máy bay ATR72 sản xuất năm 2009-2010 trung bình trong khoảng 5,9-8,7 triệu USD (theo tạp chí Aircraft Value Reference ngày 30/4); khoảng 5,15-7,33 triệu USD (theo định giá của Ascend ngày 24/6) phụ thuộc vào năm sản xuất và tình trạng máy bay.
 
Các máy bay ATR72 này đang được dùng để khai thác các đường bay đến các sân bay hạn chế, không tiếp cận được dòng tàu bay từ A320 trở lên gồm Côn Đảo, Kiên Giang, Cà Mau và Điện Biên. 
 
Chính phủ đã có định hướng đầu tư xây dựng, nâng cấp những sân bay này đến năm 2030 sẽ lên cấp 4C, có thể tiếp nhận được tàu bay A320/A321. Như vậy, lợi thế khai thác của tàu ATR72 đến các sân bay địa phương trên sẽ mất dần.
 
Từ năm 2019, tổng công ty đã triển khai nghiên cứu các chủng loại tàu bay có thể thay thế ATR72, trong đó dòng tàu bay phản lực khu vực (Regional Jet - RJ) được đánh giá phù hợp để khai thác thay thế. Việc đưa tàu bay RJ vào khai thác thay ATR72 sẽ được triển khai theo từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch bán tàu. Theo đó, trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines dự kiến triển khai thuê ngắn hạn RJ theo hình thức thuê có tổ bay (thuê ướt) hoặc không có tổ bay (thuê khô) để khai thác thử nghiệm, đo lường mức độ phản ứng của thị trường. Trên cơ sở đó, hãng sẽ xây dựng phương án khai thác dài hạn loại tàu bay RJ phù hợp thay thế ATR72.