15h00
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 4,22 điểm (0,33%) lên 1.276,93 điểm. Toàn sàn có 206 mã tăng, 166 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,12 điểm (1,03%) lên 306 điểm. Toàn sàn có 105 mã tăng, 76 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,9 điểm (1,07%) lên 84,77 điểm.
Việc các chỉ số chỉ tăng điểm nhẹ vào cuối phiên do áp lực bán bất ngờ dâng mạnh sau giờ nghỉ trưa và khiến hàng loạt cổ phiếu lớn giảm trở lại, trong đó, VHM giảm 1,6%, MWG giảm 1,4%, VNM giảm 1,6%, VCB giảm 1%...
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 19.600 tỷ đồng, tăng 19,5%, trong đó, riêng sàn HoSE là 16.400 tỷ đồng, tăng 15,9%.
Khối ngoại mua ròng trở lại 328 tỷ đồng trên HoSE chủ yếu nhờ thỏa thuận của AGG. Phiên hôm nay AGG được kéo lên mức giá trần 54.100 đồng/cp.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
11h30
Tâm điểm của thị trường phiên sáng nay tập trung vào nhóm cổ phiếu chứng khoán. Các mã như SSI, VND, HCM, SHS... đồng loạt tăng giá mạnh. Trong đó, SSI tăng 4,1% lên 52.900 đồng/cp, VND tăng 5% lên 44.000 đồng/cp, HCM tăng 3,9% lên 46.650 đồng/cp.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như PVD, TPB, CTG, VRE, SHB, HPG... cũng đồng loạt tăng giá và góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 13,25 điểm (1,04%) lên 1.285,96 điểm. Toàn sàn có 226 mã tăng, 131 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,33 điểm (1,43%) lên 307,21 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 58 mã giảm và 213 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,87 điểm (1,04%) lên 84,74 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện với tổng giá trị giao dịch đạt 12.800 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh là 12.000 tỷ đồng, tăng 38% so với phiên trước. Giá trị khớp lệnh tại sàn HoSE đạt 9.800 tỷ đồng, tăng 33%.
Khối ngoại bán ròng hơn 137 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
9h43
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng, trong đó, SSI tăng 2,2% lên 51.900 đồng/cp. Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vừa ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD – tương đương 2.300 tỷ đồng - vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan. Đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon). Khoản vay được kết nối thu xếp bởi khối dịch vụ ngân hàng đầu tư SSI (Investment Banking - IB SSI) chỉ sau 3 tháng thương thảo.
9h42
Ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc xanh đã bao trùm nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu, trong đó, các mã như VRE tăng 2,9%, BCM tăng 2%, TPB tăng 1,7%, TCB tăng 1,6%, SAB tăng 1,5%...
Chiều ngược lại, NVL, KDC, MWG... là một số cổ phiếu vốn hóa lớn hiếm hoi giảm giá ở thời điểm hiện tại. NVL đang giảm mạnh nhất với 1,4%.
Hiện tại, VN-Index tăng 9,43 điểm (0,74%) lên 1.282,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,8 triệu cổ phiếu, trị giá 2.600 tỷ đồng. HNX-Index tăng 2,32 điểm (0,77%) lên 305,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,4 triệu cổ phiếu, trị giá 337 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (0,57%) lên 84,35 điểm.
Thị trường chứng khoán tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần với sự nâng đỡ của một số cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại đi xuống với giá trị khớp lệnh giảm 21% so với phiên cuối tuần trước. Khối ngoại bán ròng khoảng 63 tỷ đồng trong phiên 26/7.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường đang tạo nền tích lũy để chuẩn bị tạo xu thế mới khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo VN- Index có thể sẽ chủ yếu dao động tích lũy ngắn hạn tại khu vực 1.270 - 1.290 trong những phiên tiếp theo.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 26/7, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều tăng. Dow Jones tăng 82,76 điểm, tương đương 0,24%, lên 35.144,31 điểm, vượt đỉnh lịch sử 35.061,55 điểm thiết lập ngày 23/7. S&P 500 tăng 10,51 điểm, tương đương 0,24%, lên 4.422,3 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.411,79 điểm thiết lập ngày 23/7. Nasdaq tăng 3,72 điểm, tương đương 0,03%, lên 14.840,71 điểm, vượt đỉnh lịch sử 14.836,99 điểm thiết lập ngày 23/7.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều trong phiên 26/7. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 2,15%. Thị trường Nhật Bản giao dịch trở lại sau hai ngày nghỉ lễ, Nikkei 225 tăng 1,04%, Topix tăng 1,11%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 2,34%, Shenzhen Component giảm 2,646%. Hang Seng của Hong Kong lao dốc 4,13%.
Chốt phiên 26/7, giá dầu Brent, WTO đều giảm. Giá dầu Brent tương lai giảm 35 cent, tương đương 0,4%, xuống 73,75 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 44 cent, tương đương 0,6%, xuống 71,63 USD/thùng.
Giá quặng sắt đảo chiều tăng sau 5 phiên giảm liên tiếp. Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên này tăng 0,9% lên 1.136 nhân dân tệ (175,2 USD)/tấn. Trước đó, giá mặt hàng này đã giảm 5 phiên liên tiếp. Phiên gần nhất, 23/7, giá giảm mạnh nhất trong vòng 17 tháng do lo ngại việc Chính phủ Trung Quốc giới hạn sản lượng thép.