Nếu loại trừ ngành ngân hàng, P/E thị trường là 17,8x tại ngày 30/6, tương ứng tiềm năng tăng giá cho các cổ phiếu ngành khác từ mức hiện tại là tương đối hạn chế.
Thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng tích cực trong dài hạn.
Rủi ro lạm phát của Việt Nam chưa đáng lo ngại trong cả năm 2021, tạo không gian cho chính sách tiền tệ có thể tiếp tục duy trì nới lỏng.
Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán cuối năm, Trung tâm phân tích SSI (SSI Research) ước tính tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2021 các công ty nằm trong phạm vi nghiên cứu là 31% so với năm trước và trong năm 2022 sẽ tăng 14,2%.
P/E dự phóng 2021 là 15,7x tại ngày 30/6. Tuy nhiên, ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index (34%) và đứng đầu về ước tính tăng trưởng lợi nhuận trong nửa đầu năm (tăng 59% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ ngành ngân hàng, P/E thị trường là 17,8x tại ngày 30/6, tương ứng tiềm năng tăng giá cho các cổ phiếu ngành khác từ mức hiện tại là tương đối hạn chế.
Nguồn: SSI Research.
Theo SSI Research, thông tin vĩ mô và KQKD tích cực trong quý II của các công ty có thể đã được phản ánh một phần vào giá. SSI Research khuyến nghị trong ngắn hạn nhà đầu tư cần quản trị rủi ro chặt chẽ do thị trường cần thời gian để phản ánh một số yếu tố như tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại trong nửa cuối năm 2021 do không còn hiệu ứng cơ sở so sánh thấp so với cùng kỳ. Cùng với đó là lo ngại về lạm phát và diễn biến dịch bệnh phức tạp (nếu diễn ra kịch bản xấu).
Trong nửa cuối 2021, SSI Research duy trì quan điểm trung lập đối với ngành ngân hàng và ưa thích ngành chứng khoán do thanh khoản thị trường vẫn khả quan so với cùng kỳ 2020; các ngành liên quan đến xuất khẩu (logistics, gỗ, thủy sản, dệt may) có thể hưởng lợi từ nhu cầu mạnh trong nửa cuối năm.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng tích cực trong dài hạn. Năm 2022, SSI Research cho rằng Việt Nam vẫn nằm trong số các thị trường có giá trị hấp dẫn trong khu vực với P/E 2022 là 13,7x.
Con đường phục hồi kinh tế chưa bao giờ bằng phẳng
Về kinh tế vĩ mô, SSI Research cho biết, khác với các quốc gia khác trên thế giới, đối với Việt Nam rủi ro lạm phát chưa đáng lo ngại trong cả năm 2021, tạo không gian cho chính sách tiền tệ có thể tiếp tục duy trì nới lỏng.
Chính sách tài khóa có nhiều thuận lợi khi thu ngân sách đạt 58% kế hoạch và có thặng dư ngân sách khá lớn. Giải ngân vốn đầu tư công được kỳ vọng đạt 31% kế hoạch năm trong quý III, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, tạo ra sự hỗ trợ cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.
Xuất khẩu bước vào cao điểm trong nửa cuối 2021, giúp cải thiện dần cán cân thương mại. Việt Nam hiện là một trong các cường quốc xuất khẩu của thế giới (thị phần xuất khẩu vào Mỹ từ thứ 12 năm 2016 vượt lên thứ 6 vào năm 2020).
Tuy nhiên, rủi ro về diễn biến của dịch Covid-19 (nếu không được kiểm soát tốt) có thể tác động phần nào tới hoạt động xuất nhập khẩu cũng như giải ngân đầu tư công do các quy tắc hạn chế đi lại và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, điều này có thể ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung.
Về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2022, SSI Research cho biết kế hoạch kinh tế xã hội năm 2022 (dự kiến được công bố vào tháng 11/2021) có thể ở mức mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,5% - 7%, CPI không quá 4%. Động lực chính sẽ đến từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bình thường trở lại trong năm 2022, tuy nhiên vẫn cao hơn mức trung bình dài hạn. Bên cạnh đó, tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh sẽ giúp cầu tiêu dùng nội địa hồi phụ. Cuối cùng là chính sách tiền tệ - tài khóa sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ trong năm 2022.
Về yếu tố rủi ro đối với triển vọng vĩ mô năm 2022, SSI Research đánh giá các rủi ro tương tự với các quốc gia trên thế giới, như diễn biến khó lường của Covid-19, thắt chắt các chính sách tiền tệ quá sớm hay nợ xấu gia tăng do đại dịch. Ngoài ra, lạm phát ở Việt Nam thường có độ trễ so với thế giới và có thể tăng trở lại trong quý IV và tranh chấp thương mại với Mỹ có thể kéo dài