• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
23 Tháng Mười Một 2024 7:21:08 CH - Mở cửa
Ngành du lịch đối mặt “cú sốc” sau 20 năm và bước lùi hàng thập kỷ
Nguồn tin: BizLive | 03/07/2021 11:20:47 SA
Sau hơn 30 năm đổi mới, lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số thấp đáng kinh ngạc - hơn 88 nghìn lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2021. Con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đại dịch SARS bùng phát cách đây gần 20 năm. 

 
Bãi biển ở Đà Nẵng vắng bóng khách du lịch do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Reuters.
 
Có thể thấy, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã gây thiệt hại lớn đến ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng.
Báo cáo chung của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển cho thấy, sự sụt giảm trong ngành du lịch kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát có thể gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ USD trong năm 2020 và 2021.
Còn với Việt Nam, theo ước tính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ riêng năm 2020, tổng thiệt hại của ngành du lịch do Covid-19 lên tới 23 tỷ USD.
 
HAI “CÚ SỐC” MANG TÊN ĐẠI DỊCH
 
Lật lại thời điểm cách đây gần 20 năm, khi đại dịch SARS bùng phát tại 25 quốc gia trên thế giới (từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003), toàn thế giới đã thiệt hại khoảng 40 tỷ USD. Với riêng lĩnh vực du lịch, báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, lượng khách quốc tế năm 2003 giảm 1,5%, từ 703 triệu lượt năm 2002 xuống còn 690 triệu lượt. Dù vậy, tổng thu du lịch quốc tế năm 2003 vẫn tăng gần 43 tỷ USD.
Thời điểm đó, Việt Nam ghi nhận 65 ca nhiễm SARS và 5 người tử vong. Sau 45 ngày đối mặt, ngày 28/4/2003 Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch bệnh SARS, và không còn ca mắc mới nào được ghi nhận sau đó.
Dù chỉ bị ảnh hưởng của SARS trong hai tháng (tháng 3 và 4/2003) nhưng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong 5 tháng tiếp sau. Phải đến tháng 9 lượng khách mới đạt ngang mức cùng kỳ 2002 và 3 tháng cuối năm đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2003, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,4 triệu lượt, giảm 7,6% so với năm 2002, bù lại số lượt khách du lịch nội địa cả năm vẫn tăng 3,8%. Nhờ vậy, tổng thu du lịch chỉ giảm 4,3%.
Sau cú sốc của năm 2003, từ năm 2004 trở đi, khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng và hầu như đều đạt mức tăng hai con số. Nhưng đà tăng ấy đã bị chặn đứng vào năm 2020 khi ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với cú sốc lớn nhất từ trước tới nay - đại dịch Covid-19.
Trong khi lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 trên toàn thế giới giảm 73,9% (tương đương mức giảm khoảng 1 tỷ lượt khách, làm giảm 1,1 nghìn tỷ USD tổng thu từ khách du lịch), và lùi lại thời điểm cách đây 30 năm (theo Tổ chức Du lịch thế giới), khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 cũng lùi lại mốc của năm 2009 với chỉ 3,7 triệu lượt khách (giảm 79,5% so với 2019). Lượng nội địa cũng chỉ đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. 
Cùng với đó, khoảng 40-60% lao động trong ngành bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.
 
 
Nhiều cơ sở lưu trú đại hạ giá phòng nhưng vẫn không có khách thuê. Ảnh: GĐ&XH
 
Bước sang năm 2021, những tưởng ngành du lịch sẽ từng bước vực dậy sau năm 2020 chịu tác động nặng nề của Covid-19 nhưng sự xuất hiện và tác động của các đợt bùng phát dịch mới lại càng khiến cho ngành du lịch kiệt quệ, lượng khách quốc tế và nội địa tiếp tục giảm so với năm 2020 và giảm sâu so với các năm trước. 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021 khách quốc tế đến Việt Nam ước tính chỉ đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, lượng khách nội địa 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam cũng sụt giảm mạnh ở hầu hết các tỉnh thành. Chẳng hạn, Hà Nội chỉ phục vụ được khoảng 2,9 triệu lượt khách nội địa trong 6 tháng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020 hay Thanh Hóa lượng khách đến trong 6 tháng chỉ bằng 29% kế hoạch năm.
Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi giữa tháng 6/2021, dẫn phản ánh của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho thấy, có đến 90% doanh nghiệp trong ngành du lịch không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho nhân viên nghỉ việc 100%, đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho nghỉ việc 60-90% nhân sự, không nhận lương.  
Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, quy định ký quỹ 500 triệu/doanh nghiệp lữ hành quốc tế khiến doanh nghiệp bị đọng vốn. Trong tình hình khó khăn, khoảng 600 doanh nghiệp tạm rút giấy phép để lấy lại ký quỹ, cân đối tài chính. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị mất tiền đặt cọc cho các hãng hàng không quốc tế 50-60 tỷ do hủy tour. Trong khi đó các doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ từ nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
NỖ LỰC GƯỢNG DẬY
 
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu quá trình phục hồi từ nửa sau năm 2021. Tuy nhiên để đạt được mức bằng năm 2019 cần khoảng thời gian từ 2 năm rưỡi đến 4 năm, tùy tình hình kiểm soát dịch Covid-19. Du lịch Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của quốc tế, vì vậy cần nhiều thời gian để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế.
Để vực dậy ngành du lịch, nhiều quốc gia trên thế giới đang từng bước mở lại hoạt động đi lại, du lịch, giao thương thông qua chứng nhận sức khỏe. Với số lượng dân số thế giới đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19 ngày càng tăng, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và áp dụng chứng nhận số về sức khỏe (hộ chiếu vắc xin) nhằm nới lỏng hạn chế đi lại, thúc đẩy du lịch.
Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đầu tiên khởi xướng việc thông qua chính sách áp dụng chứng nhận Covid kỹ thuật số EU (EU Digital Covid Certificate) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đi lại, du lịch trong khối và góp phần hồi phục nền kinh tế. Theo đó, từ 1/7, giấy chứng nhận (trong đó cung cấp thông tin về người đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19, có kết quả âm tính gần đây hoặc đã khỏi bệnh) đã bắt đầu được áp dụng ở các quốc gia EU. Chứng nhận này cũng được chấp nhận ở một số quốc gia ngoài EU như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Tại châu Á, một số quốc gia như Singapore, Thái Lan cũng đã triển khai áp dụng chứng nhận số vắc xin. Từ 1/5, Singapore đã chấp nhận thẻ thông hành số IATA Travel Pass của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) trong việc đón khách quốc tế. 
Ngày 4/6, chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch tái mở cửa Phuket với mô hình “Hộp cát Phuket” (Phuket Sandbox). Theo đó, từ ngày 1/7, du khách được tiêm chủng từ các quốc gia nguy cơ thấp và trung bình như Mỹ và Tây Ban Nha được phép đi nghỉ ở Phuket mà không cần trải qua các biện pháp kiểm dịch. Nếu thành công, mô hình thử nghiệm này có thể sẽ được mở rộng hơn trong ngành du lịch Thái Lan ngay sau tháng 10.
 
 
Thành phố Phú Quốc đang chuẩn bị kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mở cửa đón khách quốc tế. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang
 
Còn ở Việt Nam, Bộ Chính trị đã đồng ý cho nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang. Ngoài ra, mới đây, Bộ Y tế cũng ban hành quyết định thực hiện thí điểm cách ly y tế tập trung 7 ngày với những người nhập cảnh tại Quảng Ninh nếu đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2. Thời gian thí điểm từ 1/7-31/7. Đây được xem là tiền đề để Việt Nam có thể từng bước mở cửa đón khách quốc tế trong thời gian tới.
Dù vậy, theo dự báo của Tổng cục Du lịch, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2021 khó có sự cải thiện đáng kể do cần thời gian để kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình, tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm, phối hợp hành động ở cả quy mô quốc tế và trong nước.
Từ dự báo nêu trên, Tổng cục Du lịch cho rằng ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục định hướng chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa; đẩy mạnh chuyển đổi số cho điểm đến và các doanh nghiệp, chú trọng marketing số; chuẩn bị kỹ để triển khai kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế thông qua hộ chiếu vắc xin; hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế, sản phẩm, thị trường, đào tạo nguồn nhân lực để chuẩn bị cho quá trình phục hồi sau khi kiểm soát được dịch bệnh.