VN-Index đứng thứ 5 trong số các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất tháng 7.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh khoảng gần 19% so với tháng 6.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN-Index đứng ở mức 1.310,05 điểm, tương ứng giảm 98,5 điểm (-6,99%) so với cuối tháng 6. Như vậy, chỉ số này đã điều chỉnh trở lại sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp. Mức giảm trên cũng khiến VN-Index lọt vào top 5 các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới (theo dữ liệu từ IndexQ). Tương tự, VN-Index cả HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt 2,62% và 3,68% so với cuối tháng 6.
Các chỉ số giảm mạnh nhất thế giới. Nguồn: IndexQ.
Dù có sự điều chỉnh trong tháng 7 nhưng nhờ sự bứt phá mạnh mẽ ở các tháng trước nên VN-Index vẫn nằm trong danh sách các chỉ số tăng mạnh nhất 6 tháng hay 1 năm qua.
Các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Nguồn: IndexQ.
Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 7 đạt 6,47 triệu tỷ đồng, giảm 5,4% hay mất 369.317 tỷ đồng (16 tỷ USD) so với cuối tháng 6. Trong đó, vốn hóa riêng sàn HoSE giảm 6,8% xuống gần 4,93 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, Dù HNX-Index đi xuống nhưng nhờ vào một số cổ phiếu mới lên sàn như KHG của Bất động sản Khải Hoàn Land (HNX: KHG) hay DXS của Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HNX: DXS) nên vốn hóa ở sàn HNX vẫn tăng 2,8% lên 415.302 tỷ đồng.
Thanh khoản trong tháng 7 giảm trở lại, với giá trị khớp lệnh trung bình đạt 22.300 tỷ đồng/phiên, giảm 18,8% so với tháng 6, nhưng mức này vẫn cao hơn 7,2% so với con số 20.800 tỷ đồng của trung bình 6 tháng đầu năm.
Giá trị khớp lệnh toàn thị trường chứng khoán từ đầu năm 2021. Đơn vị: Tỷ đồng.
Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán cuối năm, Trung tâm phân tích SSI (SSI Research) cho rằng thông tin vĩ mô và KQKD tích cực trong quý II của các công ty có thể đã được phản ánh một phần vào giá. SSI Research khuyến nghị trong ngắn hạn nhà đầu tư cần quản trị rủi ro chặt chẽ do thị trường cần thời gian để phản ánh một số yếu tố như tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại trong nửa cuối năm 2021 do không còn hiệu ứng cơ sở so sánh thấp so với cùng kỳ. Cùng với đó là lo ngại về lạm phát và diễn biến dịch bệnh phức tạp (nếu diễn ra kịch bản xấu).
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng tích cực trong dài hạn. Năm 2022, SSI Research cho rằng Việt Nam vẫn nằm trong số các thị trường có giá trị hấp dẫn trong khu vực với P/E 2022 là 13,7x.